Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 57)

Nhà văn Phạm Đình Trọng
Nhà văn Phạm Đình Trọng
Tôi đã đọc sách văn chương, truyện ngắn, bút ký, tùy bút của nhà văn Phạm Đình Trọng và tôi đã có bài viết về tập sách chân dung văn học và kí sự của nhà văn, tập Bức Chân Dung Để Lại, đăng trên báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam. Tôi đã đọc tất cả những thiên chính luận của nhà văn Phạm Đình Trọng viết về cái nhìn và tấm lòng nhà văn với hiện tình đất nước. Nhiều bài tôi là người đọc đầu tiên khi bài viết mới là bản thảo vừa hoàn thành, chưa đăng ở đâu cả.
Trong truyện, văn của anh nhẹ nhàng trữ tình bao nhiêu thì trong chính luận, văn của anh lại mạnh mẽ, quyết liệt, hào sảng bấy nhiêu. Phạm Đình Trọng là người ít nói, anh thuộc dạng cả nghĩ mà ngại nói, đôi khi vụng nói nữa. Nhưng thật ngạc nhiên trong văn chính luận anh như một người hùng biện, mạch văn cuồn cuộn, sôi sục lạ thường, ý tứ trùng trùng lớp lớp, khúc chiết, mạch lạc, có sức thu hút và thuyết phục.
Bất chấp thực tế chủ nghĩa Mác Lê Nin sai lầm, tội lỗi đã hoàn toàn thất bại, sụp đổ trên thế giới, đã bị loài người loại ra khỏi đời sống chính trị thế giới; bất chấp thực tế chủ nghĩa Mác Lê Nin đã mang lại nghèo đói, trì trệ kéo dài cho đất nước Việt Nam, mang lại quá nhiều đau khổ, quá nhiều máu và nước mắt cho nhân dân Việt Nam, những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vẫn cố duy trì chủ nghĩa Mác Lê Nin để cố duy trì sự độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước sự ngoan cố tội lỗi đó, trước sự lì lợm nhẫn tâm đó của những người lãnh đạo Cộng sản, nhà văn Phạm Đình Trọng không thể làm ngơ. Với lý lẽ thấu đáo, với câu văn bình dị mà giàu cảm xúc, không viện dẫn kinh sách, rất ít từ ngữ chính trị khô khan, trong các bài chính luận của mình, nhà văn Phạm Đình Trọng đã tập trung chỉ ra sự huyễn hoặc, sai lầm, phản con người, phản tiến hóa của chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Nhà văn lược lại lịch sử phát triển của xã hội loài người đi từ hoang dã đến văn minh, đi từ bầy đàn đến cá nhân: “Cuộc đời mỗi người đều có ba giai đoạn: Tuổi ấu thơ ngơ ngác, tuổi còn bị sai khiến, áp đặt, có nhà triết học coi đó là tuổi lạc đà, phải chia động từ “mày phải”, tuổi của bầy đàn, chưa có cá nhân, cá nhân còn lẫn trong bầy đàn, đánh mất trong bầy đàn. Đến tuổi trưởng thành, con người nhận thức được thế giới và nhận thức được bản thân, cá nhân được hình thành tách ra khỏi bầy đàn, cá nhân có tư duy, có chính kiến riêng cần được nhìn nhận, cần được khẳng định sự có mặt trong cuộc đời, đó là tuổi sư tử, tuổi chia động từ “Tôi là”. Đến giai đoạn xế chiều, con người lại trở về thời ấu thơ, lại trở về bầy đàn, tìm đến đám bạn cùng giới tính. Xã hội loài người cũng phải qua thời ấu thơ là thời bầy đàn bộ lạc nguyên thủy, thời phong kiến trung cổ, chỉ có lãnh chúa, chủ đất mới có cá nhân, còn lại chỉ là đám đông lao xao, chỉ là công cụ sản xuất trong tay chủ đất và công cụ bạo lực trong tay vua chúa. Bước vào thời văn minh công nghiệp, xã hội loài người mới bước vào thời trưởng thành. Khoa học kỹ thuật cho con người sức mạnh khẳng định mình, cho trí tuệ làm chủ bản thân và làm chủ thế giới. Con người có mặt trong xã hội là những cá nhân với tư tưởng, chính kiến riêng phải được thể hiện và phải được xã hội nhìn nhận, tôn trọng.  Chỉ đến xã hội công nghiệp của chủ nghĩa tư bản mới có cá nhân, mới có Cái Tôi trưởng thành” (Bi Kịch Việt Nam).
Để rồi nhà văn đau xót nhận ra loài người vừa đi đến văn minh công nghiệp, những cá nhân vừa được tách ra từ bầy đàn thì Chủ nghĩa Mác Lê Nin lại xóa bỏ cá nhân, đưa xã hội loài người trở về bầy đàn: “Học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác Lê Nin vươn hai cánh tay bạo liệt ra: Cánh tay kinh tế, công hữu hóa tư liệu sản xuất, xóa bỏ quyền làm chủ tư liệu sản xuất của người dân, lạnh lùng bóp nghẹt cuộc sống. Cánh tay chính trị, chuyên chính vô sản, thô bạo nắm cổ người dân, định đoạt số phận người dân theo ý muốn của quyền lực vô sản chứ không theo pháp luật. Công hữu hóa tư liệu sản xuất đã xóa bỏ cá nhân trong toàn bộ đời sống xã hội… Chủ nghĩa mác Lê Nin chỉ nhìn nhận sự có mặt của đảng Cộng Sản, chỉ có cá nhân của những người lãnh đạo đảng Cộng sản! Người dân dù là nhà văn hóa, nhà khoa học, là trí thức, nghệ sĩ kiệt xuất cũng chỉ là quần chúng, là bầy lạc đà, là công cụ trong tay đảng Cộng sản như thời phong kiến trung cổ chỉ có cá nhân lãnh chúa, chủ đất, còn lại chỉ là bầy đàn, là công cụ sản xuất và công cụ bạo lực!” (Bi Kịch Việt Nam)
Nhà văn khẳng định dù chậm phát triển, xã hội Việt Nam cũng đã đi đến Cái Tôi cá nhân trưởng thành: “Trên đường đi đến đô thị của văn minh công nghiệp, những năm ba mươi thế kỷ hai mươi, xã hội Việt Nam chợt đến phố huyện đã để lại dấu ấn trong văn chương là Tự Lực Văn Đoàn với những câu chuyện tình phố huyện, là Thơ Mới ghi lại nỗi thảng thốt sung sướng phát hiện ra Cái Tôi cá nhân trong cuộc đời và sự khắc khoải, bền bỉ đòi hỏi sự nhìn nhận của xã hội đối với Cái Tôi thiêng liêng đó.
Cái Tôi cá nhân thức dậy, năng lực sáng tạo của những cá nhân được giải phóng đã tạo ra lịch sử Việt Nam thời trước Cộng sản những tên tuổi lớn. Về văn hóa có Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Phan Khôi, Bùi Kỉ, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh tường, Vũ Trọng Phụng, Phạm Cao Củng, Nam Cao, Phạm Huy Thông, Nguyễn Tuân, Thế Lữ. Về kinh tế có Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Thị Năm. Về chính trị có Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến.” (Bi Kịch Việt Nam)
Những cá nhân đó đang thực hiện nhiệm vụ lịch sử, đang kể lại dấu ấn Cái Tôi trong lịch sử: “Những người Việt Nam kiệt xuất đó với tầm văn hóa và lòng tự hào dân tộc đang lặng lẽ chuẩn bị nền tảng tư tưởng, nền tảng văn hóa và cả nền tảng kinh tế, xã hội cho một xã hội mới và đang bền bỉ thức tỉnh nhân dân, tổ chức lực lượng chính trị cho cuộc đấu tranh với thực dân xâm lược Pháp giành độc lập dân tộc. Con đường đấu tranh bất bạo động bằng tư tưởng, văn hóa, kinh tế, chính trị theo con đường của Phan Châu Trinh vạch ra, theo con đường của Mahatma Gandhi, theo triết lí Phương Đông dựa vào lòng người “lấy chí nhân thắng bạo tàn”, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, tiết kiệm xương máu cho dân là con đường lâu dài nhưng là con đường đồng hành với tiến trình phát triển của lịch sử loài người và nền độc lập giành được bằng con đường đó là nền độc lập thực sự và bền vững, nền độc lập không bị phụ thuộc vào những thế lực chính trị bên ngoài. Mahatma Gandi dẫn dắt nhân dân Ấn Độ đấu tranh bất bạo động với đế quốc Anh đã giành được độc lập. Theo logic lịch sử, tiến trình đi đến độc lập như Ấn Độ cũng đang lặng lẽ, bền bỉ và vững chắc diễn ra ở Việt Nam”.
Nhưng những người Cộng sản mang chủ nghĩa Mác Lê Nin về Việt Nam đã “đưa nhân dân Việt Nam vào những cuộc cách mạng bạo lực, vào cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, chia trận tuyến đấu tranh giai cấp, thanh toán địch – ta vào trong từng con người, trong từng gia đình, trong từng cơ quan, đơn vị, phân chia trận tuyến giai cấp, thanh toán địch – ta trong lòng dân tộc Việt Nam, đẩy nhân dân vào cuộc sát phạt, tiêu diệt, xung đột, giằng xé, đấu đá, bất ổn, ly tán của dân tộc suốt từ giữa thế kỷ hai mươi đến tận hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Sát phạt, xung đột, giằng xé, đấu đá, bất  ổn, ly tán để xóa bỏ Cái Tôi cá nhân vừa thức tỉnh trong trí thức, trong giới chủ, trong thanh niên, học sinh thành phố, để chỉ còn Cái Tôi quyền uy của hơn chục yếu nhân nắm vận mệnh đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định số phận cả dân tộc Việt Nam” (Bi Kịch Việt Nam)
Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác Lê Nin để hướng tới mục tiêu Xã hội Chủ nghĩa bạo lực chuyên chính vô sản. Xã hội mà đảng Cộng sản hướng tới, với nhà văn Phạm Đình Trọng chỉ là: “Chủ nghĩa Xã hội cho những người lãnh đạo Cộng sản quyền hành vô hạn, lại tước đoạt của dân mọi quyền con người, mọi quyền công dân. Nhân dân Việt Nam là nạn nhân thê thảm nhất của Chủ nghĩa Xã hội. Người dân chỉ là công cụ để Nhà nước vô sản sử dụng làm cách mạng giành chính quyền cho Đảng và tiến hành chiến tranh vì mục tiêu giai cấp của Đảng. Người dân công cụ chỉ được sử dụng làm quần chúng cách mạng trong đấu tranh giai cấp, trong đấu tố, hãm hại những người lương thiện thức tỉnh. Người dân chỉ là công cụ nên không có quyền tư hữu, không có quyền có tài sản riêng, kể cả tài sản vật chất như đất đai, đến tài sản văn hóa tinh thần như tư tưởng. Người dân không được có tư tưởng chính kiến riêng. Mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo!” (Không Thể Đi Ngược Ý Chí Nhân Dân).
Mục tiêu Xã hội chủ nghĩa là hư vô nhưng vì cái mục tiêu hư vô đó đảng Cộng sản sử dụng bạo lực sắt máu với dân là sự thật hiển nhiên. “Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng bạo lực tàn nhẫn ứng xử với dân tộc Việt Nam văn hiến, đã đem lại cho dân tộc Việt nam gần một thế kỷ cách mạng, chiến tranh đẫm máu, ly tán dân tộc, tan hoang đất nước.” (Bi Kịch Việt Nam)
Trong đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm Ấn Độ trở về, nhà văn viết: “Giành được độc lập bằng đấu tranh chính trị và đấu tranh nghị trường nên Ấn Độ có nền nếp dân chủ đại nghị từ ngày đó. Nhà nước dân chủ Ấn Độ chỉ có thể tồn tại được bằng sự chấp thuận của người dân. Còn chúng ta suốt hơn nửa thế kỷ giành và giữ chính quyền bằng bạo lực, chúng ta đã coi chính quyền tồn tại bằng bạo lực như một lẽ đương nhiên, như điều bình thường. Một xã hội dân sự yên hàn nhưng nhà nước Cộng sản vẫn chuyên chính với dân. Coi những ý kiến của dân khác biệt với chính quyền đều là thế lực thù địch. Dùng bạo lực trả lời những ý kiến khác biệt của dân thì không thể là bình thường. Xài bạo lực quá lâu đã trở thành nghiện. Bạo lực đã trở thành ma túy của nhà nước Cộng sản Việt Nam! Nhà nước quá nghiền, quá ỷ vào bạo lực, làm sao đất nước có dân chủ!” (Nghĩ suy từ Ấn Độ).
Thẳng thắn, trung thực bộc lộ nỗi đau buồn về hiện trạng đất nước, nhà văn đã liên tiếp nhận được giấy mời làm việc với cán bộ phụ trách an ninh chính trị của công an quận, công an thành phố, rồi cả bộ công an. Sau lần gặp viên phó quận trưởng phụ trách an ninh công an quận Tân Bình, nhà văn viết bài Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản và chuyển tay bài viết đến ông phó quận trưởng công an:
“Lực lượng công an đã bị giáo dục, nhồi sọ sai trái, méo mó, đảo lộn mọi giá trị, thiêng liêng hóa cái tầm thường và tầm thường hóa cái thiêng liêng. Đảng phái chính trị chỉ là một tổ chức có một tiêu chí tập hợp và một mục tiêu hướng tới. Có tập hợp theo tiêu chí này thì cũng có tập hợp theo tiêu chí khác. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là tập hợp của một tiêu chí xa lạ: giai cấp vô sản và hướng tới một mục tiêu ảo: chủ nghĩa xã hội. Trong khi lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng để dân tộc Việt Nam bé nhỏ tồn tại được bên cạnh đế quốc Đại Hán khổng lồ luôn thèm khát thôn tính Việt Nam thì tiêu chí tập hợp làm nên sức mạnh Việt Nam để tồn tại phải là dân chủ và mục tiêu hướng tới phải là dân tộc.
Dù là đảng cầm quyền, dù đảng có vài triệu đảng viên, dù đảng có lịch sử vài chục năm thì đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ là một hiện tượng bình thường của đời sống xã hội, là một sản phẩm tầm thường và tội lỗi của lịch sử Việt Nam, là một tổ chức tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất thời không phải là mãi mãi, càng không phải là một giá trị bền vững, thiêng liêng, tuyệt đối! Chỉ có dân tộc Việt Nam là bền vững! Chỉ có nhân dân Việt Nam là vĩnh hằng, bất biến! Chỉ có tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng! Đất đai sông núi Việt Nam, những trang sử oai hùng Việt Nam, hồn thiêng của tổ tiên Việt Nam, nền văn hiến Việt Nam và nhân dân Việt Nam chính là tổ quốc Việt Nam thiêng liêng. Nhưng lực lượng công an được giáo dục coi cái tầm thường là thiêng liêng, coi đảng cộng sản là giá trị thiêng liêng, cao cả! Vì thế công an mới trương khẩu hiệu mê muội “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình!” Coi những giá trị thiêng liêng là tầm thường, cắt nhượng đất đai thiêng liêng cho bành trướng, coi nhân dân máu thịt như kẻ thù! (Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản)
Những thiên chính luận có giọng rất riêng của nhà văn Phạm Đình Trọng xuất hiện trên các trang mạng internet từ đầu năm 2008 nhưng tôi chỉ thực sự quan tâm đến cái giọng riêng đó từ bài Ăn mày dĩ vãng – thực chất cuộc học tập đạo đức Hồ Chí Minh, khoảng cuối năm 2009. Một sáng chủ nhật tổ trưởng đảng đến thúc giục nhà văn nộp bản thu hoạch về học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà văn từ chối viết bản thu hoạch đó. Sau đó nhà văn nộp cho tổ trưởng đảng bài viết 7 trang A4 Ăn mày dĩ vãng với sự thẳng thắn hiếm có:
“Chuyện tham nhũng của bộ máy nhà nước ta không sao kể xiết. Bộ máy nhà nước tham nhũng đó lại cao giọng rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh thì đó là sự giả dối vô liêm sỉ, một sự giả dối tự nhiên như không, không còn biết ngượng, thì đó là một màn kịch vụng về, trơ trẽn! Và cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở thành cuộc vận động làm điều giả dối! Đó là sự suy đồi thảm hại của đạo đức xã hội!
Bộ máy nhà nước tham nhũng, chính quyền suy yếu ngày càng phụ thuộc vào Đại Hán làm cho nhân dân oán giận, lòng người ly tán. Trong tình thế đó, đưa Hồ Chí Minh ra, đưa những năm tháng đánh giặc hào hùng ra, đưa sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ ra để ru ngủ nhân dân quên đi những nhức nhối hiện tại, để chính quyền tham nhũng núp bóng, ăn theo vinh quang của quá khứ mà tồn tại. Đó là những kẻ ăn mày dĩ vãng!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét