Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 56)

Nhà văn Phạm Đình Trọng

Vì Chưng Hay Ghét Cũng Là Hay Thương
Sáng ngày 9/12/2012, khoảng hơn mười giờ, khi tôi từ cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông về đến đầu ngõ thì thấy lực lượng công an, dân phòng vây kín các ngả đường quanh nhà tôi. Họ đang bao vây phong tỏa nhà văn Phạm Đình Trọng đó. Tôi biết có cuộc hùng hổ vây ráp bất thường này vì nhà văn đã gọi điện cho tôi.
Hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình của các nhân sĩ, trí thức, nhà văn Phạm Đình Trọng hẹn tôi bảy giờ sáng chủ nhật ngày 9 tháng mười hai gặp nhau ở bến xe buýt đường Cộng Hòa rồi cùng lên Nhà Hát Lớn dự biểu tình. Bảy giờ xe buýt đến, vẫn chưa thấy anh Trọng, tôi đành lên xe đi trước và tin rằng sẽ gặp lại anh Trọng ở biểu tình. Nhưng anh Trọng không thực hiện được lời hẹn vì bị đám công sai ngăn cản.
Nhà văn Phạm Đình Trọng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 11/5/2014
Nhà văn Phạm Đình Trọng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 11/5/2014
Trong một bài viết trên mạng Internet, nhà văn Phạm Đình Trọng kể rằng, sáng sớm anh vừa ra khỏi cửa thì viên sĩ quan công an tên Tuấn ở công an thành phố, trước đây đã “làm việc” với anh nhiều lần, cùng đám đông công an và dân phòng đã rình sẵn ở cửa nhà anh từ bao giờ, xô đến, cản không cho anh ra khỏi nhà. Thấy đám công sai trắng trợn xâm phạm quyền con người và quyền công dân, nhà văn cương quyết lách qua đám công sai đi ra đường. Viên công an Tuấn đi xe máy liền lao xe chặn ngang trước mặt nhà văn. Nhà văn lấy tay đẩy Tuấn ra thì Tuấn lu loa: A, ông đánh tôi. Ối! Ối! Đau quá! Ông phải đi với tôi đến cơ quan công an giải quyết việc ông hành hung tôi. Hơn chục công sai khỏe quây tròn quanh nhà văn. Viên sếp an ninh vừa dùng xe máy ép vừa lải nhải đòi đưa nhà văn vào đồn công an nhưng làm việc phi pháp nên họ không dám mạnh tay, nhà văn vẫn đến được bến xe buýt. Bị đám công sai đông đúc ngăn chặn, không thể lên được xe buýt, nhà văn liền thẳng đường đến nhà tôi, cách bến xe buýt không xa. Thế là đám công an điều động thêm lực lượng dân phòng của cả hai phường 12 và 13 quận Tân Bình được huy động cho cuộc bao vây dưới sự chỉ huy của công an thành phố, công an quận!
Sở dĩ có trò hề trên là vì nhà văn Phạm Đình Trọng đã cùng 41 trí thức, nhân sĩ khác ký tên trong thư ngày 27.7.2013 yêu cầu lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc ngang ngược coi Biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam như ao nhà của Trung Quốc, mặc sức ngang dọc, bắt bớ, bắn giết dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam. Yêu cầu chính đáng của 42 trí thức cũng là đòi hỏi bức thiết của đông đảo người dân không được lãnh đạo thành phố đáp ứng, năm trí thức, năm nhà hoạt động xã hội nổi tiếng là giáo sư Tương Lai, luật gia Lê Hiếu Đằng, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, nhà báo Lê Công Giàu liền đưa ra lời kêu gọi thực hiện cuộc biểu tình sáng chủ nhật ngày 9 tháng mười hai. Quyết chống phá cuộc biểu tình ôn hòa, chính đáng của người dân, từ đêm mồng tám lực lượng công an thành phố Sài Gòn cùng lực lượng dân phòng được tung ra phong tỏa, chặn cửa nhà 42 trí thức kí tên đòi biểu tình.
Trước đó, đến dự phiên tòa công khai xử ba thành viên trong câu lạc bộ Nhà báo Tự do: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, những công dân yêu nước đã quyết liệt lên án Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, nhà văn Phạm Đình Trọng cũng bị công an bắt ở sân tòa án thành phố đưa về công an phường Bến Thành quản thúc đến cuối ngày công an mới áp giải nhà văn về tận nhà!
Từ Sài Gòn phương Nam xa xôi, nhà văn ra Hà Nội, đến nhà tù số 5, Yên Đình, Thanh Hóa thăm người tù lương tâm, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Bài kí sự về chuyến đi thăm tù này của anh đã gây xúc động mạnh mẽ cho người đọc. Bốn mươi năm trước, cũng trên con đường này, người lính Phạm Đình Trọng hành quân ra mặt trận chống Mỹ cứu nước, ba lô súng đạn nặng trĩu trên vai “mà lòng phơi phới dậy tương lai” như một câu thơ của thời đó đã viết. Vậy mà ngày nay, đi lại con đường năm xưa bằng ô tô hiện đại êm ru, có máy lạnh mát mẻ, trong lòng người lính nhà văn lại nặng trĩu nỗi buồn. Vì con đường đưa những trái tim yêu nước, đưa những người lính trẻ ra trận đánh giặc giữ nước ngày nào nay con đường đó lại dẫn người lính năm xưa đến một nhà tù, đến thăm một trí thức phải ngồi tù chỉ vì yêu nước, chỉ vì đã thẳng thắn can ngăn những việc làm phản dân hại nước của những người cầm quyền. Thời giặc giã, người dân yêu nước phơi phới một niềm tin hăng hái ra trận đánh giặc. Giặc tan rồi, những người nặng lòng với nước lại phải mang nặng trĩu nỗi buồn vận nước. Người bị tống vào tù như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Người chưa bị vào tù đều khắc khoải, bơ vơ và phải lưu vong ngay trên quê hương mình như nhà văn Phạm Đình Trọng.
Ra mặt trận cùng thế hệ, cùng nhân dân thời đất nước có giặc. Xuống đường cùng trí thức, cùng tuổi trẻ biểu thị ý chí quyết giữ gìn toàn vẹn giang sơn gấm vóc. Đến phiên tòa, đến nhà tù chia sẻ với những khí phách Việt Nam bị giam cầm. Một người lính, một nhà văn luôn đi cùng nhân dân, cùng thời đại như vậy không thể đi cùng đảng Cộng sản Việt Nam khi đảng Cộng sản Việt Nam không còn đi cùng nhân dân Việt Nam, khi nhà văn đã nhận ra “đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác”. Sau bốn mươi năm tận tụy cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho nhân dân với tư cách đảng viên Cộng sản, sau bốn mươi năm nâng niu tấm thẻ đảng viên Cộng sản trên túi áo ngực nơi nhịp đập trái tim nhà văn luôn cùng nhịp đập với cuộc sống của nhân dân, đất nước, nhà văn Phạm Đình Trọng đã dứt khoát chia tay với đảng Cộng sản bằng “Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản” gửi cho tổ chức đảng ngày 29 tháng mười một năm 2009.
Nhà văn Phạm Đình Trọng tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản là sự thức tỉnh của một thế hệ bị lừa gạt, là sự cảnh báo về sự sụp đổ của một lý tưởng huyễn hoặc được thực hiện bằng bạo lực áp đặt, phản con người, là sự dũng cảm, trung thực của một người chân chính, một nhân cách văn hóa.
Nhà văn Phạm Đình Trọng khai trừ đảng Cộng sản ra khỏi trái tim anh gần nửa năm, tổ chức đảng mới bối rối làm thủ tục khai trừ anh. Nhà văn Phạm Đình Trọng viết về việc làm lố bịch này của tổ chức đảng: “Dù tôi đã tự ra khỏi đảng nhưng đảng vẫn giành cho đảng quyền khai trừ tôi. Nhận cái văn bản thể hiện cái quyền của đảng, trong tôi chợt có suy nghĩ xót xa về đảng: Đây là cái sai khai trừ cái đúng, cái giả dối khai trừ cái trung thực, cái vô cảm khai trừ cái mẫn cảm và những rô bốt khai trừ con người. Khi một con người, một tổ chức đang tha hóa thì sự khai trừ này đang diễn ra trong chính con người đó, tổ chức đó!”
Giọng đượm buồn, nhà văn Phạm Đình Trọng kể với tôi về phiên họp thể hiện quyền uy của đảng với anh nhưng anh vẫn nhận ra không khí chợ chiều của cuộc họp đó. Người ta cố huy động nhiều thành phần, nhiều người đến dự. Các ban bệ trên cơ quan quận  ủy, đảng ủy phường, chi ủy, tổ đảng. Thêm cả hội Cựu chiến binh nữa. Đông mà vẫn tẻ nhạt. Không còn có được không khí sôi sục trấn áp với kẻ từ bỏ đảng, kẻ công khai phản bác lý tưởng của đảng như thời cải cách ruộng đất, thời Nhân Văn Giai Phẩm, thời xét lại chống đảng. Những ánh mắt thờ ơ, dửng dưng. Những lời phát biểu thờ ơ, sáo mòn, trống rỗng. Thờ ơ nhìn kẻ rời bỏ đội ngũ. Thờ ơ ra về.
Mấy ngày sau nhà văn tình cờ gặp lại ông phó ban kiểm tra đảng ủy đã dự cuộc họp đó. Ông lấm lét nhìn trước nhìn sau mới dám nói nhỏ với nhà văn mấy câu chia sẻ, đồng tình rồi ông lẩn nhanh. Đảng hôm nay với những đảng viên như vậy thì đúng như nhà văn đã nhận xét, đảng chỉ còn cái giả dối, không có sự trung thực, đảng chỉ còn những rô bốt, không còn con người, không còn lý tưởng cách mạng cao đẹp. Đảng đó dù có kết nạp thêm bao nhiêu đảng  viên mới nữa thì chỉ có thêm những kẻ cơ hội, vào đảng để được chia chác mẻ cá cuối cùng trước khi con tàu đắm hẳn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét