Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 58)

Nghĩ suy từ Ấn Độ. Thư ngỏ gửi thủ tướng. Ăn mày dĩ vãng. Thông báo từ bỏ đảng. Nỗi ngán ngẩm thường ngày. Nỗi đau dân chủ. Kiêu binh thời đảng trị. Không thể đi ngược ý chí nhân dân. Dấu ấn. Không còn mùa thu. Ngước nhìn Quốc hội. Thưa chuyện với công cụ bảo lực chuyên chính vô sản. Đi xa nhìn về. Ông thủ tướng khinh trí tuệ, trọng bạo lực. Bi kịch Việt Nam. Thông điệp tháng tám… Đó là tên những bài chính luận của nhà văn Phạm Đình Trọng tôi nhớ chưa được đầy đủ.

Mỗi bài viết đó là một cáo trạng đanh thép không thể chối cãi về sai lầm và tội ác của đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam, về dã tâm thí bỏ lợi ích dân tộc Việt Nam, mang lợi ích dân tộc Việt Nam đổi lấy sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam vào vòng nô lệ tổng cộng đổi lấy sự bảo kê của Trung Cộng để duy trì sự độc quyền cai trị đất nước của một đảng tham nhũng và mất lòng dân. Từ những bài viết đó, người đọc còn cay đắng nhận ra rằng: giành độc lập bằng bạo lực cách mạng vô sản do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì Việt Nam chỉ có một nền độc lập không trọn vẹn lại phải trả bằng giá máu quá đắt, phải trả bằng vết thương chia rẽ, ly tán dân tộc và ly tán dân tộc Việt Nam còn mãi mãi rỉ máu khi còn sự thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà văn Phạm Đình Trọng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 11/5/2014
Nhà văn Phạm Đình Trọng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 11/5/2014
Tôi vẫn tự hỏi: Vì sao ai cũng thấy rõ chủ nghĩa xã hội đã làm cho đất nước ta điêu linh, nhân dân ta khốn khổ, tăm tối, cùng đường mà đến tận hôm nay tờ báo Văn Nghệ của hội Nhà văn Việt Nam vẫn trương cái slogan chữ đậm phía trên tên tờ báo: Vì chủ nghĩa xã hội? Vì sao bao nhiêu nhà văn tên tuổi một thời nay cứ im hơi lặng tiếng, ngậm miệng ăn tiền trước thảm cảnh nguy khốn của đất nước, trước nỗi thống khổ của nhân dân. Có đôi người mon men viết về hiện thực đau buồn của đất nước thì phải rào đón, che chắn, nói bóng nói gió xa xôi, nhạt nhẽo, hời hợt? Vì sao những nhà văn của một đất nước đang nguy khốn, của một nhân dân đang đau khổ lại có thể vô tâm và xôi thịt đến mức xúm lại tranh giành, chụp giật nhau giải thưởng nọ, giải thưởng kia để kiếm cái danh: nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn được giải thưởng nhà nước, để kiếm cái lợi mỗi giải thưởng vài trăm triệu đồng từ tiền thuế mồ hôi nước mắt của mấy bà già nghèo dầu dãi nắng mưa buôn bán mớ rau, mớ tép ở mon sông cuối chợ? Hỏi như vậy để tôi nhận ra trong hội nhà văn văn nô, hội nhà văn xôi thịt, hội nhà văn chỉ là thứ cây kiểng, là lớp phấn son làm đẹp cho bộ mặt chế độ độc tài thì những nhà văn thực sự nhà văn Như Phạm Đình Trọng quá ít ỏi!
Không là thứ văn nô, Phạm Đình Trọng mới có thể viết về Ông thủ tướng khinh trí tuệ, trọng bạo lực, một ông thủ tướng giả dối, thấp hèn, khi nhậm chức thì hùng hồn tuyên bố: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng thì tôi xin từ chức ngay”. Nhưng khi thực thi thì: “Cả ông thủ tướng chính phủ hùng hồn tuyên bố chống tham nhũng cũng đi đầu đôn đáo, hăm hở, mê mải tham nhũng, nêu tấm gương lớn cho cả hệ thống quyền lực tham nhũng, tạo ra cả cơn lốc xoáy tham nhũng, tạo ra một thời bạo liệt tham nhũng. Tham nhũng tiền bạc. Tham nhũng đất đai. Tham nhũng cả quyền lực. Trong các loại tham nhũng đó thì tham nhũng quyền lực là nguy hại lớn nhất, di họa lâu dài nhất. Lịch sử gần 70 năm cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam, chưa có thời nào mà những người lãnh đạo cấp cao của đảng lại ngang nhiên giành những chiếc ghế quyền lực lớn về chính trị, quyền lực lớn về kinh tế cho con cháu, người thân của họ như thời ông Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng sản, là người đứng đầu chính phủ.”
Không là thứ văn nô, nhà văn mới có thể chỉ ra những người Cộng sản nắm quyền lực hôm nay hiện nguyên hình là những vua chúa phong kiến hủ bại thời mạt vận: “Thời nhà Lê suy tàn, đầu thế kỷ XVI, vua Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ, trụy lạc vô độ, đặt ra nhiều sắc thuế bóc lột dân, nhiều hình phạt độc ác đánh giết dân, giết cả 15 thân vương trong triều. Trước tội ác quá lớn, Lê Tương Dực liền sai kiến trúc sư tài hoa Vũ Như Tô xây điện trăm nóc, xây Cửu Trùng Đài nguy nga cầu xin thần linh che chở.
Ngày nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xây nhà thờ họ hoành tráng ở Rạch Giá, Kiên Giang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xây nhà thờ họ Nguyễn Sinh trập trùng đền đài lộng lẫy xa hoa trên cả vùng đồi núi mênh mông ở Nam Đàn, Nghệ An. Đó là những Cửu Trùng Đài của triều Cộng Sản Việt nam đầu thế kỷ XXI.” (Ông thủ tướng khinh trí tuệ trọng bạo lực).
Hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền ngân sách rót cho những “quả đấm thép” doanh nghiệp nhà nước do ông Thủ tướng và phe nhóm lợi ích của ông điều hành, phút chốc tan như mây khói. Vinashin sụp đổ, Vinalines phá sản. Bô xít Tây Nguyên thua lỗ. Nhiều trăm ngàn tỉ đồng tiền ngân sách nhà nước cứ lần lượt đội nón ra đi không để lại tăm tích. Ngân sách nhà nước trống rỗng. Dòng máu nuôi nền kinh tế đất nước cạn kiệt. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân phá sản kéo theo hàng triệu người thất nghiệp. Đất nước tan hoang vì những bàn tay lông lá của những nhóm lợi ích dưới sự thao túng của ông Thủ Tướng. Lòng dân ai oán, phẫn nộ. Sự tồn tại của đảng Cộng sàn, của Nhà nước Cộng sản bị đe dọa.
Trước nguy khốn cận kề đó, từ cuối năm 2012 đến suốt cả nửa đầu năm 2013, cơ quan trung ương của đảng Cộng sản họp tới họp lui, hết hội nghị cán bộ toàn quốc, đến hội nghị trung ương này, hội nghị trung ương khác. Những hội nghị dồn dập tốn kém hàng ngàn tỉ tiền thuế của dân mà không vạch ra được một khuôn mặt tham nhũng, không kỉ luật được một quan chức hư hỏng. Chỉ tạo cơ hội cho bộ máy tham nhũng càng cố kết bền vững thêm. Nhưng với bài Ông thủ tướng khinh trí tuệ trọng bạo lực được rất nhiều trang mạng tiếng Việt ở trong nước, ngoài nước đăng tải từ tháng mười, năm 2012, được đông đảo người Việt cả trong và ngoài nước đồng tình, chia sẻ, nhà văn Phạm Đình Trọng đã làm được cái việc cần làm mà cả cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam không làm được là chỉ ra một trung tâm quyền lực tham nhũng và từ cuối năm 2012 nhà văn đã hạ bệ trong lòng dân một ông ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham nhũng.
Trong tình cảnh đất nước hiện nay, chưa lúc nào nhân dân cần những tiếng nói dũng cảm, chân thực của người cầm bút như lúc này. Thời bùng nổ của những trận đánh, của bom đạn, của những đội biệt động cảm tử đã qua. Trong thời bùng nổ thông tin này, trên xa lộ thông tin, ngoài những thông tin sự việc còn cần những thông tin mang năng lượng của tâm hồn tạo ra sự bùng nổ trong nhận thức, trong tình cảm người dân. Những bài viết của Phạm Đình Trọng đều mang một năng lượng tâm hồn như vậy. Có thể nói, chưa có nhà văn Việt Nam nào gây được ảnh hưởng tinh thần to lớn như Phạm Đình Trọng từ những bài viết chân thực của anh. Như thời bùng nổ của bom đạn, con đường ra trận đánh giặc giữ nước đã ghi tên anh. Thời bùng nổ thông tin, xa lộ thông tin cũng đã ghi tên anh.
Có gần gũi Phạm Đình Trọng mới thấu hiểu năng lượng tình cảm anh có được từ đâu. Đúng như cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu năm xưa viết: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.
Đi với Phạm Đình Trọng, tôi thấy anh đắm đuối với từng ngọn cỏ, lá cây của thiên nhiên đất nước. Anh đứng hồi lâu ngắm đường cong của mái chùa Tây Phương ở Thạch Thất, Hà Tây, nay là Hà Nội. Thấy tấm bảng thông báo để choán ngay trước cửa chùa anh chuyển tấm bảng sang bên cạnh để cửa chùa phong quang. Anh tìm gặp người trong ban quản lý chùa nói về những panô, mái bạt, mái lều nilong xanh đỏ suốt hai bên đường bậc thang lên chùa và xô bồ chen lấn trong sân chùa che khuất mất dáng vẻ uyển chuyển, thâm trầm của đường nét kiến trúc Phật giáo độc đáo Việt Nam, phá mất vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên của ngôi chùa và tính lịch sử của ngồi chùa đã đi vào tâm linh con người và văn hóa Việt Nam.
Đầu năm nay tôi và Phạm Đình Trọng có chuyến đi ngắm nhìn non xanh nước biếc kỳ thú miền Tây Bắc. Ngồi trong ôtô anh đăm đăm nhìn dãy núi trọc lóc chạy dài bên đường, thảm rừng xanh ngàn đời đã bị cạo trọc, triền núi phơi màu đất đỏ loét như rớm máu. Nhìn vẻ mặt rầu rầu của anh, tôi biết anh đau xót lắm. Đến khách sạn Mường Thanh ở thành phố Điện Biên, nhìn thấy hai bức tượng mạ vàng chóe, hai ông tướng tàu cưỡi ngựa đứng hai bên cửa khách sạn đón khách, lại thấy những đèn lồng đỏ giăng giăng, nhà văn Phạm Đình Trọng liền tìm gặp bà phó giám đốc khách sạn than phiền rằng kinh doanh khách sạn là kinh doanh du lịch và người đi du lịch là người đi thưởng thức văn hóa ở những vùng đất xa lạ. Vì thế kinh doanh du lịch chính là kinh doanh văn hóa, là mang nét đặc sắc về văn hóa của một vùng đất ra khoe để thu tiền thiên hạ. Thung lũng Mường Thanh là cái rốn, là trung tâm của một vùng văn hóa dân tộc rất đặc sắc, văn hóa dân tộc Thái Mèo. Thế mà đến Mường Thanh, tôi chỉ thấy tràn ngập văn hóa Trung Nguyên phương Bắc. Sao ở hai bên cửa khách sạn mang tên Mường Thanh này, chỗ hai tên tướng Tàu nghênh ngang cưỡi ngựa lại không phải là hai cô gái Thái thướt tha múa xòe, hoặc hai chàng trai mèo nhún nhảy với chiếc kèn bè nhỉ? Nghe nhà văn hỏi, bà giám đốc phó khách sạn còn trẻ cứ sửng sốt, ngỡ ngàng.
Nhà văn Phạm Đình Trọng rủ tôi đi xe máy xuyên Việt để thấy được đầy đủ vẻ đẹp vừa kiêu sa lộng lẫy vừa đơn sơ, bình dị của đất nước. Theo anh, đi ô tô đông người không thể dừng lại chỗ mình muốn thì chỉ là cưỡi ngựa xem hoa của kẻ vô tâm, hời hợt, chưa đong đầy được nỗi khao khát với đất nước. Một người nặng lòng với đất nước như vậy, tất phải đau xót, phẫn nộ với những kẻ đang bòn rút tài nguyên, tàn phá đất nước. Anh là nhà văn đầu tiên và duy nhất từ rất sớm gửi thư cho thủ tướng chính phủ phản ứng gay gắt dự án khai thác bô xít Tây Nguyên, đã không mang lại hiệu quả kinh tế, lại tàn phá thiên nhiên, tàn phá nền văn hóa rừng độc đáo Tây Nguyên.
Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Phạm Đình Trọng. Đáng buồn là trong những kỉ niệm đó lại có cả những bộ mặt hình sự của công an đi vào kỷ niệm của chúng tôi.
Cuối năm 2010, chúng tôi hẹn nhau cùng ra Hà Nội, cùng đến thăm những người thân của chúng tôi ở Hà Nội, cùng ngồi thả cần câu xuống ao cá của ông bạn tôi ở Cẩm Giàng, Hải Dương, cùng đến viếng mảnh đất mang hồn Tự lực văn đoàn, nơi ba anh em tài hoa, ba nhà văn rường cột của Tự lực văn đoàn, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam ra đời, nơi những thành viên Tự lực văn đoàn đi về, hội tụ sinh hoạt văn chương.
Đến thăm nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Thanh Giang ở phố Trung Văn, Hà Nội, khi ra về, chúng tôi vừa ra khỏi ngõ liền bị mấy công an chặn lại dẫn giải vào đồn công an. Họ thu giữ giấy chứng minh nhân dân của chúng tôi, lục soát túi, truy hỏi chúng tôi đủ điều về mối quan hệ của chúng tôi với tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Không có chứng cứ tội phạm, không có lệnh bắt giữ của cơ quan có thẩm quyền, công an vẫn ngang nhiên chặn đường, bắt giữ một nhà văn, một nhà báo, tra hỏi suốt 30 tiếng đồng hồ. Sự việc công an tùy chuyện bắt giữ chúng tôi được tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đưa ngay lên xa lộ thông tin toàn cầu, tố cáo với thế giới.
Đến sự việc ngày 9.12.2012, công an thành phố Sài Gòn, công an quận Tân Bình chỉ huy đội quân dân phòng đông đảo của hai phường bao vây, phong tỏa nhà văn Phạm Đình Trọng trong nhà tôi suốt buổi sáng, gây náo loạn, căng thẳng cả một góc phố vốn khuất nẻo, tĩnh lặng thì bộ mặt hình sự công an càng sỗ sàng nhảy vào đời sống dân sự riêng tư của chúng tôi. Lo lắng cho tôi, người hàng xóm bên cạnh nhà tôi liền gọi điện ngay cho con trai tôi đang ở xa, hốt hoảng báo tin: Công an đang vây kín quanh nhà ba mày. Bộ ba mày là trùm phản động ha? Mày về ngay mà đi thăm nuôi ba mày!
Đó là những kỷ niệm buồn của chúng tôi về những năm tháng đất nước không còn chiến tranh mà cuộc sống không bình yên, mà bóng công an đè nặng xuống cuộc sống, phủ bóng đen vào cả kỷ niệm của chúng tôi, mà công an bao vây, bắt bớ, giam giữ, truy xét cả tư tưởng, tình cảm chúng tôi!
Và nhà văn Phạm Đình Trọng là tiếng nói của khí phách nhân dân ở thời Nhà nước độc tài Đảng trị đã tước đoạt mọi quyền con người của người dân, ở thời công an bao vây, bắt bớ, giam giữa, truy xét cả tư tưởng, tình cảm con người. Nhà văn của một thời lịch sử đau buồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét