Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 51)

Nguyễn Kiến Giang
Kiến Giang là một con người như thế, quyết liệt. Từ chỗ là một tín đồ ngoan đạo của chủ nghĩa Mác Lênin, sùng bái Liên Xô, đến chỗ dứt khoát từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản. Lần đầu tiên bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông xuống Mỹ Tho chơi với tôi vào năm 1988, bác Viện giới thiệu: đây là một nhà Xô viết học! Cậu có cần hỏi gì về Liên Xô, cứ hỏi cái đầu này. Lúc đó Liên Xô đang cải tổ. Năm 1987, tức 70 năm Liên Xô, Kiến Giang còn viết cuốn sách dày hơn 200 trang mang tựa đề Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (nhà xuất bản Phú Khánh). Đọc kỹ cuốn sách đó, tôi thấy ông còn tin tưởng, hi vọng là đảng Cộng sản Liên Xô sẽ cải tổ thành công. Đùng một cái Liên Xô tan rã và thực tế ở Liên Xô và Đông Âu, và cả ở Việt Nam những năm sau này đã đẩy tư duy của Kiến Giang đi đến cùng. Ông viết tiểu luận Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản như thế nào? Để công bố tư tưởng của mình. Ông trở thành một nhà lý luận đổi mới hàng đầu, có uy tín lớn với giới trí thức Việt Nam ở trong nước và trên thế giới. Trang web Talawas ngày 11/3/2013 giới thiệu học giả Nguyễn Kiến Giang cả một bài dài. Nhưng Kiến Giang không phải một học giả của những vấn đề đã được xếp trong tủ kính. Ông đứng giữa dòng sông đang chạy xiết của thời cuộc đất nước mà nghiên cứu, đề xuất, phán xét bất chấp mọi hiểm nguy. Ngày 22/8/1996 ông lại lãnh án mười lăm tháng tù treo cùng với Lê Hồng Hà hai năm tù giam, Hà Sĩ Phu một năm tù giam của tòa án thành phố Hà Nội về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống đối chế độ!
Chính cái hôm ông vừa lãnh án tù treo về, tôi gặp ông ở Hà Nội. Tôi hỏi cùng một tội, các vị kia bị tù giam, anh được cái án treo, coi như tha bổng. Ông cười hóm hỉnh: Có lẽ người ta thấy tôi tù nhiều quá rồi, có giam nữa cũng thế thôi!
Kể từ cái ngày bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông đến chơi với tôi ở Mỹ tho và ở lại chơi đến cả tuần lễ vào năm 1988, năm nào ra Hà Nội tôi cũng đến thăm ông ở phố Tuệ Tĩnh và sau này ở ngõ Lương Sử C gần Văn Miếu. Tôi đến để xin ý kiến ông về thời vận của đất nước! Có lần ở 91 Tuệ Tĩnh, ông chỉ vào một hòn gạch trên nền nhà và nói: Chính tại cái hòn gạch này, tôi đã đứng để công an còng tay vào năm 1967, lúc đó cả cái nhà tập thể của nhà xuất bản Sự Thật này họ nhìn tôi như kẻ tội phạm đáng ghét. Vậy mà bây giờ, họ chửi bới chế độ om sòm, còn tôi vẫn lặng lẽ đọc và viết.
Ông đã viết 25 tác phẩm và dịch 45 cuốn sách. Ông phải dịch để kiếm sống sau bao năm tù đày. Đương nhiên sách dịch của ông phải ký cả tên ba lăng nhăng để che mắt chính quyền. Hai cuốn sách in trong nước của ông là cuốn Liên Xô – 70 năm trên đường khai phá và cuốn Cách mạng 1789 (Pháp) và chúng ta … phải để tên tác giả ngoài bìa là Nguyễn Khắc Viện (nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 1989). Sau khi cuốn Cách mạng 1789 ra đời, đại sứ Pháp tại Hà Nội đã đến nhà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời ông qua Pháp dự lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp (1789 – 1989) tại Paris. Bác sĩ Viện nói với nhân viên sứ quán Pháp rằng người viết cuốn sách đó là Nguyễn Kiến Giang, ông chỉ cho mượn tên để ngoài biển sách mà thôi. Người Pháp lại tìm đến Kiến Giang. Ông phải nói với họ rằng ông không thể đi được dù mọi chi phí đi lại, ăn ở ông không phải lo!
Những lần ra chơi với Kiến Giang như vậy, tôi đều tặng ông những cuốn sách tôi mới in, với lời để tặng đại loại như: Kính tặng anh Kiến Giang, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn… Chúng tôi nhìn vào anh để sống và hy vọng cho tương lai đất nước… Ở dưới có để rõ địa chỉ và họ tên của người tặng sách. Kiến Giang bảo tôi: Cuốn sách của cậu tặng, moi (tôi) để trên bàn tiếp khách, một viên công an theo giỏi moi, thường xuyên đến nhà “thăm hỏi”, giở ra coi. Anh ta coi đi coi lại lời đề tặng của cậu như để thuộc để ghi vào hồ sơ của moi… Cũng vì tôi hay đến chơi Kiến Giang như thế nên đã có lần chạm trán với nhân viên an ninh và đã bị truy tìm lý lịch như đã kể ở đầu sách.
Sau Tết năm 2000, tôi lại đến thăm ông. Kiến Giang bảo tôi: Hôm mùng một Tết, tướng Phạm Chuyên có đến thăm chúc Tết và cho quà. Ông ấy hỏi tôi: Anh nhận định tình hình thế nào? Tôi trỏ lên cuốn lịch nói: Năm 2000 có ba con số không. Phạm Chuyên đề nghị tôi nói về ba con số không ấy. Tôi nói: thứ nhất là không còn đường lùi, thứ hai là không tiến lên được… Phạm Chuyên sốt ruột: Còn con số không thứ ba nữa? Tôi nói: nhưng không phải là không có lối thoát. Phạm Chuyên vỗ tay: Hay quá, tôi mời anh đến gặp đồng chí tổng bí thư (lúc đó là Lê Khả Phiêu – LPK) để anh phân tích về từng con số không một cho tổng bí thư nghe! Tôi trả lời: Tôi không phải là thầy bói, tôi là nhà khoa học. Nếu cần thì các anh tổ chức hội thảo khoa học để tôi đến trình bày đàng hoàng.
Dĩ nhiên là không có hội thảo nào sau đó. Nhưng cũng có những cuộc hội thảo kín, người ta mời Kiến Giang đến tham luận và yêu cầu ông không phổ biến rộng rãi tham luận đó. Nộp lại tham luận và nhận nhuận bút rất cao. Ông nói với tôi: Mình được mời đi tham luận là sẵn sàng vì có nhuận bút cao cũng đỡ!
Sao ngày đổi mới, Kiến Giang được phục hồi sổ hưu. Ông đưa quyển sổ hưu cho tôi coi và chỉ tay vào chỗ có đóng dấu, nói: Cậu xem có lạ không? Sổ hưu của tôi dấu vuông. Dấu của Đảng. Không có nhà nước pháp quyền nào trả lương hưu với dấu vuông của đảng cả(!)
Kiến Giang là như thế, bao giờ ông cũng đi đến tận cùng mọi vấn đề, và trên hết, ông là một nhà xã hội học đúng với tên của nó. Độc lập quan sát xã hội. Tôi đã được đọc tập tiểu luận của ông trong một cuộc hội thảo kín như ông đã kể. Tập tiểu luận tham luận có chủ đề “bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và con người mới xã hội chủ nghĩa”. Trong tập tiểu luận đó, ông dẫn ra tất cả những lời có dính đến hai chữ con người mà ông Hồ Chí Minh đã nói tới trong tất cả những gì được in ra từ trước đến nay. Chỉ riêng việc thống kê đầy đủ như thế đã cho thấy tính nghiêm túc khoa học trong tham luận của Kiến Giang (trả nhuận bút cao là phải!). Qua những thống kê đó, tác giả đi đến kết luận: ông Hồ coi người cán bộ, đảng viên là lõi cốt của cách mạng. Nhưng ông bác bỏ hoàn toàn khái niệm “con người mới”. Theo Kiến Giang, trong con người có cái mới và cái cũ không thể tách biệt để có “con người mới” như đã ảo tưởng! Và, tác giả cũng bác bỏ hoàn toàn quan niệm “cán bộ là đầy tớ” của nhân dân. Theo ông, cán bộ cấp cao thì phải hưởng thụ cao và phải có cống hiến xứng đáng với hưởng thụ. Còn giữ khẩu hiệu đầy tớ nhân dân thì sẽ dẫn đến giả dối, đến hội nghị nói một đằng, làm một nẻo. Còn giữ khẩu hiệu này sẽ làm mất uy tín của ông Hồ. Ông Hồ nêu khẩu hiệu này trong những điều kiện đặc biệt; nay thời gian không gian đã khác, phải cất nó vào quá khứ để xây dựng một xã hội công dân thực sự, một nhà nước pháp quyền thực sự. Kiến Giang bảo tôi: Bản tham luận được vỗ tay nhiệt liệt, người vỗ tay toàn là “đầy tớ”!
Kiến Giang là một nhà xã hội học thực sự trong một đất nước không hề có khoa học xã hội, chỉ có những vị giáo sư “ăn theo, nói leo” minh họa lời ông lớn, minh họa các nghị quyết của đảng cầm quyền để vinh thân phì gia. Hãy đọc đầu đề các tập tiểu luận (chủ yếu là tự viết, tự tin lấy) của ông, đủ thấy không mấy ai đặt bút viết các đề tài “nhạy cảm” này: Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt; Một cuộc chiến chống lại “phi lý tín”; Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?; Khủng hoảng và lối ra; Thử dò tìm cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại; Một quan niệm về hiện đại hóa ở Việt Nam; Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo; Từ Duy Tân đến Đổi Mới; Nhìn nhận thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay; Công bằng xã hội và kinh tế; Nhìn lại quá trình du nhập của chủ nghĩa Mác Lênin; Bàn với sự lãnh đạo của Đảng, v.v…
Tôi có may mắn và hạnh phúc được đọc hầu hết các tiểu luận trên của ông để lấy thêm vốn đến hành nghề báo của mình. Một tiểu luận của ông như thế có độ dày đủ để in một cuốn sách giá trị. Nhiều tác phẩm của ông đã được bà con Việt kiều quan tâm đến tình hình nước nhà in ra và gửi về nước tặng lại tác giả. Có lần Kiến Giang đưa tôi coi một cuốn sách in rất đẹp ở nước ngoài do chính nhân viên an ninh theo dõi ông đem đến. Anh ta hỏi: Bác đã nhận được cuốn sách này của bác chưa? Kiến Giang bảo tôi: Mình nói với cậu công an là mình chưa nhận được và cảm ơn cậu ta. Hóa ra tác phẩm của mình được chăm sóc kỹ thế, được in mà tác giả không biết!
Có hai tiểu luận của Kiến Giang mà tôi đọc đến thuộc từng ý chính. Một làKhủng hoảng và lối ra. Trong đó Kiến Giang cho rằng cỗ xe Việt Nam chỉ mới lắp được có một bánh là kinh tế thị trường. Vì thế khi nổ máy, cỗ xe, chạy vòng tròn! Nó còn thiếu ba bánh nữa phải lắp đủ để cỗ xe bốn bánh Việt Nam có thể chạy ra con đường lớn của nhân loại. Ba cái bánh còn thiếu đó là: xã hội công dân, nhà nước pháp quyền và chế độ bầu cử tự do dân chủ.
Kiến Giang nói một cách hài hước với tôi: Các nhà lãnh đạo Việt Nam lái xe, một chân thì đạp ga, một chân lại vội vàng đạp thắng (phanh), vừa cài số tiến lại vội vàng chạy số lùi… Vì thế cỗ xe cứ nhảy tưng tưng trên đường và không biết lúc nào thì lật!
Tiểu luận thứ hai của ông, ít được nhắc đến, vô cùng bất ngờ, có nhan đểBàn về cái chết. Khi đưa tác phẩm này cho tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói: Nó rất uyên bác, tôi đã đọc nhiều sách Đông Tây mà chưa thấy tác giả nào dám bàn đến chuyện con người từ xưa đến nay đã quan niệm về cái chết như thế nào. Đáng lẽ cuốn sách như thế này phải được in vì nó không đề cập gì đến chính trị, nhưng vì là của Kiến Giang viết nên không ai dám in!
Tôi đã đọc rất kỹ tiểu luận này. Tác giả trích cả lời Khổng Tử. Khi học trò hỏi thầy Khổng: Người chết có biết gì không? Thầy trả lời: Nếu người chết mà biết thì những đứa con có hiếu sẽ chết theo bố mẹ. Nếu người chết mà không biết gì thì những đứa con bất hiếu sẽ không chôn cất bố mẹ. Nói người chết biết là bất trí, nói người chết không biết là bất nhân…
Lần Kiến Giang vô Sài Gòn mà tôi gặp gần đây nhất, cũng đã 4-5 năm. Khi đó ông đi đã phải có người dìu. Ông bảo tôi và mọi người: Cuối đời ông Viện có một vết nhơ. Thấy ổng nói thế, tôi ngạc nhiên quá vì ông với ông Viện là bạn chí thân. Ông còn mượn tên ông Viện để in sách. Thấy tôi có vẻ bức xúc ông từ tốn nói: Cuối đời mà vào nghĩa trang Mai Dịch để nằm thì không phải là vết nhơ còn gì nữa?
Tôi đem chuyện trên nói với một nhà báo nổi tiếng, cũng là người thân cận với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nghe xong ông nổi nóng: Kiến Giang là tên cơ hội, nói bậy, vào Mai Dịch là sự khẳng định công lao của con người ông với đất nước!
Tôi để cho ông nguôi giận rồi từ tốn nói: Kiến Giang nói đúng. Ở Pháp được đưa thi hài vào Viện Panthéon là các danh nhân, ở ta cứ ủy viên trung ương là vào Mai Dịch, nay mai anh Viện có vinh dự được nằm cạnh anh Vũ Văn Hiến, Tổng giám đốc đài Truyền hình Việt Nam… là kẻ “đi không biết đường lại, đái không biết đường về”, chuyên nghề đi biếu xén và tham ô, con gái ông ta ăn cắp ở Thụy Điển bị bắt quả tang mà vẫn được làm MC của đài THVN. Được nằm cạnh một con người như thế chắc ông Nguyễn Khắc Viện… mỉm cười nơi chín suối(!)
Nghe tôi nói xong, ông bạn nhà báo ngồi thử ra và chặc lưỡi: Ừ nhỉ!
Con người mặt vuông chữ điền, cao to, đi lại, ăn nói khoan thai, yêu quý bạn bè ấy… bây giờ yếu năng, đi phải có người dìu từng bước. Năm nay ông đã 83 tuổi. Cầu trời cho ông tỉnh táo đến lúc ra đi. Bên tay tôi văng vẳng lời ông: Bắt bọn “xét lại chống đảng” là “cách mạng đã bắt đầu ăn thịt những đứa con của mình”… “Chúng ta không sợ lạc hậu, sợ nhất là lạc lõng giữa loài người…”
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét