Chấm phá chân dung các nhà dân chủ
Nguyễn Kiến Giang – hạt giống đỏ Mác xít trở thành nhà lý luận dân chủ tiên phong
Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22 tháng 1 năm 1931 ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nho học. Kiến Giang là tên con sông chảy qua làng ông. Kiến Giang học đến deuxième année tức năm thứ hai trung học để nhất cấp.14 tuổi ông đã hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh. 17 tuổi đã là huyện ủy viên rồi tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình. Năm 1956 ra Hà Nội giữ chức phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Tác phẩm Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám của ông được Trường Chinh đánh giá rất cao. Ông kể: viết xong 400 trang sách tôi gửi cho ông Trường Chinh. Ông gọi lên nói: Rất tốt! Ông Trường Chinh chỉ sửa có một chữ và sách được in năm 1961.
Chính vì thế mà năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô để làm hạt giống đỏ cho lý luận của đảng trong tương lai. Tháng 9/1953 Khruschov lên tổng bí thư, phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương các nước khác nhau về thể chế chính trị có thể chung sống hòa bình, đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, dân chủ hóa đời sống. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông phê phán Liên Xô là xét lại, chủ trương phải tiêu diệt đế quốc sạch sành sanh.
Tháng 12/1963 ta họp Hội nghị Trung ương 9, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng xác định lập trường Trung Quốc, không chấp nhận báo cáo chính trị của Hoàng Minh Chính ủng hộ lập trường của Liên Xô. Những người cộng sản Việt Nam chia rẽ về tư tưởng.
Kiến Giang kể với tôi: Sau khi trận Ấp Bắc ở miền Nam thắng lớn, Hoàng Tùng sang Liên Xô triệu tập chúng tôi lại, nói: Mỹ thua đến nơi rồi, Liên Xô có quan hệ gì với ta thì chỉ là để “dây máu ăn phần” mà thôi! Chỉ thị từ nhà sang là: Cấm tham gia mọi hoạt động mà Liên Xô tổ chức. Tôi và nhiều anh em lại nhận định khác. Liên Xô và Mỹ hoà hoãn thì Mỹ sẽ đổ quân vào Việt Nam và chiến tranh sẽ mở rộng, không có chuyện Mỹ thua ngay như ông Hoàng Tùng nói. Thư tôi viết về cho gia đình còn đó, đúng như tôi nhận định.
Sau này tôi có đọc cuốn sách Điệp viên hoàn hảo nói về nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, thấy ông ấy cũng nhận định tình hình lúc đó như Kiến Giang. Đầu năm 2007 tôi có đem cuốn sách này đến tặng ông Sáu Kiệt (sách còn mới, chưa gạch chân vào đó như cuốn Trang trại ở Pháp đã nói ở trên). Tôi nói với ông Sáu Kiệt: Cả hai nhận định giống nhau, nhưng Phạm Xuân Ẩn thì được ca ngợi là sáng suốt, còn ở ngoài Bắc sau đó Kiến Giang đi tù chín năm! Ông Sáu Kiệt nói: Ở ngoài đó các ông ấy hay bắt nhau đi tù quá!
Kiến Giang còn kể cho tôi vào ngày 20/5/2004 tại Gò Vấp, nhà con gái ông ở đường Nguyễn Văn Nghi (vì tôi có ghi chép vào sổ tay cuộc nói chuyện này nên còn nhớ rõ ngày giờ, địa điểm): Vụ Liên Xô đưa tên lửa vào một vùng biển Caribê của Cuba rồi rút ra làm cả thế giới hồi hộp, một ông trong phe Mao-ít là Nguyễn Chí Thanh phê phán: “Đưa vào là phiêu lưu rút ra là đầu hàng”! Cụ Hồ phải gõ bút chì xuống bàn nói: “Chú nói gì mà quá đáng thế!” Năm 1964 Dương Bạch Mai không phục tùng nghị quyết 9, không thi hành nghị quyết 9 nên đã phải chết!
Chính vì thế mà năm 1964, Kiến Giang và một số cán bộ đang học ở Liên Xô bị trung ương gọi về. Những người không tán đồng nghị quyết 9 đang ở Liên Xô lúc đó như Nguyễn Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, Nguyễn Lân Tuất… đã ở lại xin tị nạn chính trị. Người anh rể ruột của kẻ đang viết những dòng này là đại úy quân đội Nguyễn Trung Dũng – người đã nhắc đến ở đầu sách – và đồng đội của ông đang học ở học viện quân sự Frunze cũng bị gọi về dịp này.
Kiến Giang kể: Tôi suy nghĩ mãi, ở hay về, cuối cùng tôi và Hồng Hà quyết định về. Hồng Hà và tôi được Lê Đức Thọ kêu lên gặp. Sau khi nghe Lê Đức Thọ phê phán, Hồng Hà rút khăn ra lau nước mắt. Thọ nói: Cậu đã thấy lỗi là tốt! Anh ta được ra về và sau đó thăng quan tiến chức đến ủy viên trung ương. Tôi ngồi chờ đến lượt mình, nghe rõ câu chuyện hai vị nói với nhau, tôi chỉ được quyết định số phận của mình có mấy giây. Tôi nói với Lê Đức Thọ: Khi ở Liên Xô tôi tưởng mình nghe nhầm, nay nghe chính đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nói thì tôi càng thấy tôi đúng! Thế là sau đó, tôi đi “thực tế” ba năm từ 1964 đến 1967 ở Quảng Bình rồi Thái Bình, sau đó là đi tù 6 năm, 3 năm quản chế! Cái giá của một câu nói thật là thế!
Chuyện “nghe nhầm” của Kiến Giang là như sau. Tại lớp học ở trường Đảng cao cấp ở Liên Xô có nhiều học viên là đảng viên các đảng Cộng sản các nước. Lúc đó có việc tổng bí thư đảng Cộng sản Irak qua đời, vợ ông ta lại đang học cùng lớp với Kiến Giang và Hồng Hà. Lớp học tổ chức truy điệu ông. Theo chỉ thị từ nhà thì các học viên Việt Nam không được tham gia bất cứ hoạt động nào do Liên Xô tổ chức, nhưng Kiến Giang và Hồng Hà cứ đến dự lễ truy điệu vì “nghĩa tử là nghĩa tận”; hơn nữa, nếu không đến thì người ta sẽ đánh giá Việt Nam thế nào? Vậy mà Lê Đức Thọ không tha vụ đó.
Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an trực tiếp tổ chức cuộc bắt bớ đám xét lại chống đảng năm 1967. Ngoài Hoàng Minh Chính và Kiến Giang là những nhân vật nổi cộm, còn nhiều nhân vật cao cấp khác bị bắt, trong đó có Vũ Đình Huỳnh – vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Đại tá Lê Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục 2 (quân báo) Bộ Quốc phòng, Lê Minh Nghĩa – Chánh Văn phòng Bộ quốc phòng, Nguyễn Đức Kiên – Cục trưởng Cục Tác chiến, Hoàng Thế Dũng – Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, Minh Tranh – giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, Trần Minh Việt – Phó bí thư kiêm Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, v.v… Các vị Ung Văn Khiêm – Bộ trưởng Ngoại giao, Đặng Kim Giang – Thứ trưởng Bộ Nông trường, Lê Liêm – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng… bị khai trừ đảng.
Theo nhà nghiên cứu Sophie Quinn – Sudge viết trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11-2005 thì vụ án này có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, tất cả bị giam giữ lâu và không xét xử gì cả, rồi thả dần.
Kiến Giang cho biết, Lê Đức Thọ sau này thuyết phục: Các cậu đi học xa không biết tình hình trong nước. Vì sao lại có nghị quyết 9? Ta đề nghị đặt tên lửa tầm trung để đánh hạm đội 7, Liên Xô không cho thì đã có vũ khí của Trung Quốc. Chỉ có đồng chí Mao Trạch Đông mới có dũng khí cách mạng và đủ trình độ lý luận để chống chủ nghĩa xét lại.
Đến năm 1967 là kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười thành công, bên ngoài ta tung hô Liên Xô, vì nếu không thì cũng không xong: 5/8/1964 Mỹ đánh phá miền Bắc bằng máy bay, bằng chiến tranh phá hoại, nếu nghe Trung Quốc, nghe Đặng Tiểu Bình đoạn tuyệt hẳn với Liên Xô thì lấy vũ khí (tên lửa) đâu ra mà đánh Mỹ? Vậy nên, bên ngoài thì Lê Duẩn tuyên bố có hai tổ quốc: Liên Xô và Việt Nam, bên trong, năm 1967 bắt xét lại “để làm hài lòng Trung Quốc”! Vì thế Lê Đức Thọ đã có lần nói với Kiến Giang: “Các cậu ở tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước!” Hàng nhắc lại câu này của Lê Đức Thọ, Kiến Giang ở tuổi 74, đang đau yếu cũng không nén được tức giận, ông chửi thề: “Thật bỉ ổi, ấu trĩ!”
Kiến Giang nhớ rất kỹ, bắt đợt đầu là Hoàng Minh Chính ngày 27/7/1967. Sau ba tháng thì bắt đợt hai Vũ Đình Huỳnh, Minh Việt… vào ngày 18/10/1967…
Kiến Giang bị bắt đưa đi chạy giam Bất Bạt của quân đội và bị chuyển trại ba lần, có lần giam ở trại Ba Sao. Ông kể về 5 năm bị giam trong xà lim: Có 4 mét vuông, như nhà mồ, rét lắm vì cửa sổ hướng về phía tây, phải đứng suốt ngày, tưởng là phát điên. Tôi phải tự viết một cuốn tiểu thuyết trong đầu để khỏi phát điên, vì xin đi lao động nó không cho đi. Gia đình chỉ được lên thăm có hai lần, năm 1969 ở Bất Bạt, năm 1971 ở Ba Sao. Năm 1973 bắt đầu quản chế, năm 1975 quản chế ở xã Bối Khê Vũ Ẻn.
Ở trong tù, năm 1968 được tin đánh Mậu Thân, tôi biết trước là sẽ thua vì Mỹ chưa yếu như các ông ấy nghĩ. Còn nếu thắng thì số phận bọn xét lại chúng tôi sẽ vô cùng đen tối. Năm 1970 tôi viết thư cho Lê Đức Thọ về chuyện này…
Kiến Giang sở dĩ trở thành nhân vật nổi còn trong vụ án “xét lại chống Đảng” vì cùng với Hoàng Minh Chính, ông là một nhà lý luận có kiến thức uyên bác, có tư duy sắc bén. Vì thế Lê Đức Thọ có phần nể nang, nhưng vì ông không khóc lóc van xin, không khuất phục như Hồng Hà, nên bầm dập. Ông kể: Khi Lê Duẩn lên tổng bí thư, ông Trường Chinh bảo tôi sang gặp anh Ba Duẩn để xin anh ấy các bài viết, các phát biểu đem về in thành sách. Theo ý ông Trường Chinh thì lãnh tụ phải có tác phẩm. Tôi nghe lời sang gặp Lê Duẩn. Ông Duẩn rất cởi mở, đưa tôi một ôm tài liệu, bảo muốn làm gì thì làm. Tôi đọc kỹ thấy ông Duẩn không hiểu gì về chủ nghĩa Mác cả, chỉ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Khi trao đổi với Lê Đức Thọ khi ông vào thăm tôi trong thù, tôi có nói ý đó. Thọ bảo tôi viết lại thành tài liệu đưa Thọ. Thọ về rồi, tôi suy nghĩ kỹ. Thọ nham hiểm lắm, muốn lợi dụng tôi để lập hồ sơ về Lê Duẩn, khi cần thì sử dụng. Đó là cách Thọ thường làm. Thì ra Thọ đã có ý lật Lê Duẩn từ đó. Nghĩ thế nên tôi không mắc lừa, không viết gì phê phán lê duẩn là dân tộc chủ nghĩa cả (!)
Kiến Giang còn kể: Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta nói: Các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sĩ đi học về thì tớ cho thêm 5 đồng bao lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói: Xưa đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay đảng có chính quyền mà đảng lại sùng bái sự vô học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay giám thị trại giam vào hoảng hốt nói: Kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về, vậy là chết rồi! Ông làm thủ trưởng phật lòng vậy là tiếp tục tù dài!
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét