Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 7 năm 1968 (12/02/1968)
Năm 1946, Hồ Chí Minh của Việt Nam đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn: “Có một cuộc chiến giữa hổ và voi. Nếu con hổ chỉ đứng yên trong khoảng khắc, con voi sẽ dùng ngà húc nó. Nhưng con hổ nhảy lên con voi và xé rách lưng nó mỗi lúc một nhiều hơn, cho tới khi con voi chết vì mất máu.”
Tướng Giáp của ông ấy nói ít thơ mộng hơn: “Kẻ địch đứng trước một vấn đề. Nếu chúng không phân tán lực lượng của chúng ra trên khắp nước thì chúng không bao giờ có thể chiếm cứ được những vùng do chúng ta kiểm soát. Nhưng nếu chúng phân tán lực lượng ra trên khắp nước thì rồi chính chúng sẽ gặp khó khăn.”
Vì: “Địch thủ có thể mạnh hơn chúng ta gấp mười lần. Nhưng khi chúng ta bắt buộc chúng phải rải lực lượng của chúng ra trên khắp nước, thì ở nơi mà chúng ta muốn tấn công chúng, chúng ta có thể mạnh gấp mười lần chúng.”
Trong giai đoạn thứ ba của chiến tranh du kích, đoàn máy bay trực thăng của Mỹ đã bắt được Việt Cộng đang chuyển sang đánh trận chính quy. Sau khi lui về giai đoạn hai, kẻ địch thường thoát được trước khi các chiếc máy bay trực thăng đổ xuống.
Nó vẫn mạnh và vẫn cơ động cao cho tới mức người bảo vệ Việt Nam của Mỹ, Westmoreland, phải yêu cầu ngày càng nhiều lính Mỹ hơn từ Hoa Kỳ. Ngày nay là trên 500.000.
Người đóng thuế của Mỹ phải chi trong năm trên 100 tỉ Mark – nhiều hơn ngân sách nhà nước của Bonn rất nhiều – cho chi phí của một cuộc chiến tranh mà cho tới ngày nay vẫn không được tuyên bố và các triển vọng cho một chiến thắng quân sự trong đó xấu hơn bao giờ hết.
Vì bây giờ Hồ Chí Minh của Bắc Việt Nam còn gửi cả nhiều sư đoàn qua Lào vào Nam Việt Nam. Sư đoàn mới nhất của Bắc Việt xuất hiện trong tuần trước nữa ở phía Nam của căn cứ Mỹ ở Đà Nẵng, tức là gần bờ biển, cách xa mặt trận Bắc Việt ở đường biên giới.
Và khi những chiếc máy bay ném bom Mỹ bắt đầu xới tung đất nước của Hồ Chí Minh thì các nước khối Đông Âu tổ chức một chiến dịch giúp đỡ cho các đồng chí đỏ.
Cho tới năm 1965, người Xô viết – người Albania lên án họ như thế – chỉ cung cấp dược phẩm, 200 cái xe đạp và năm cái đàn accordéon. Nhưng trong năm vừa rồi, Moscow đã chi bốn tỉ Mark. Phi công và học viên phi công được đào tạo trong Liên bang Xô viết, hỏa tiển SAM hay máy bay phản lực MIG bị phá hủy đều luôn được thay thế.
DDR [Cộng hòa Dân chủ Đức] cũng đào tạo phi công Bắc Việt (ở Zwickau và Dessau). Ở Hà Nội, hàng trăm bác sĩ từ vương quốc của Ulbricht đang băng bó các vết thương cho các đồng chí Việt Nam của họ.
Những trận ném bom rải thảm lên Bắc Việt Nam và sự phá hoại những cái được cho là đường tiếp tế gây thiệt hại cho Việt Cộng còn ít hơn là cho các sư đoàn chính quy đỏ. Vì người Xô viết và người Bắc Việt Nam tuy có cung cấp vũ khí và đạn dược cho du kích quân, nhưng không nhiều như các tướng lĩnh của Mỹ tin là như thế trong lúc tìm kiếm các mục tiêu ném bom mới.
Hơn phân nửa tất cả vũ khí, những cái chĩa vào người Mỹ và đồng minh của họ, chưa từng bao giờ vượt qua vĩ tuyến 17. Bây giờ, nhà chính trị học Richard J. Barnet, dưới thời Kennedy là nhà ngoại giao trong State Department, đã phát hiện ra việc đó. Những vũ khí đó là do Việt Cộng chiếm được, tự sản xuất lấy hay mua trên chợ đen trong Sài Gòn.
Barnet cũng bác bỏ điều mà các nhà ngoại giao Mỹ khẳng định từ nhiều năm nay: rằng Việt Cộng của miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị Hà Nội chỉ huy về chính trị. “Mặt trận”, người từng là phó của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ George W. Ball năm 1966 khẳng định như thế, “là một mặt tiền do Hà Nội dựng lên để hỗ trợ cho truyện hoang đường rằng cuộc nổi dậy ở Việt Nam không phải là một cuộc nổi loạn được điều khiển từ bên ngoài.”
Thật sự thì MTDTGP là một lực lượng chính trị độc lập – ngay khi có liên kết chặt chẽ với Hà Nội. Trong Nam Việt Nam bị chia rẽ với nhiều nhóm chính trị của nó, có lẽ họ là đơn vị lớn nhất và đoàn kết nhất. Họ có đại diện trong tất cả các quốc gia của khối Đông Âu và trong một vài nước của thế giới thứ ba – và đấu tranh cho một chương trình chính trị có những điểm khác biệt về cơ bản với kế hoạch tương lai của Hồ Chí Minh cho Việt Nam.
Hồ muốn thống nhất toàn thể Việt Nam trở thành một nhà nước Cộng sản có trật tự kinh tế và xã hội xã hội chủ nghĩa ngay sau khi người Mỹ rút quân (“Con cái chúng ta rồi sẽ ca hát và rắc hoa”).
Ngược lại, đối với MTDTGP, tái thống nhất đất nước đứng mãi ở hàng thứ năm trong chương trình của họ, sau hòa bình, độc lập, dân chủ và trung lập về chính trị. “Chúng tôi sống trong miền Nam, chúng tôi thực hiện một chính sách cho miền Nam”, các nhà lãnh đạo MTDTGP bảo đảm. Họ muốn tránh trở thành một vệ tinh của Hà Nội sau khi chiến thắng.
Tất nhiên là những người anh em bất cân xứng ở Hà Nội và trên những cánh đồng lúa của miền Nam, những người trong đất nước chia cắt cũng thực hành Chủ nghĩa Cộng sản chia cắt, có một điểm chung: nổi dậy chống lại sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam. Và trong cuộc đấu tranh này, Việt Cộng cũng để cho Hà Nội, chính xác hơn: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Giáp, điều khiển.
Giáp và cố vấn của ông ấy đã tập giai đoạn thứ ba của cuộc chiến tranh du kích, trận phản công lớn, hàng tháng liền trên hộp cát – người Mỹ tin rằng mình đang có an toàn.
Ở Dak To, sau một cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, các tướng lĩnh Hoa Kỳ đã đạt được thành công một phần, đã chiến thắng các trận đánh và tin rằng quân địch đang dần dần chuẩn bị cho các cuộc thương lượng hòa bình trong danh dự.
Phía sau tấm khiên của kho vũ khí khổng lồ của họ, họ chờ đợi những hơi thở cuối cùng của đối thủ và để cho những người đào ngũ lừa đối họ với những câu chuyện cổ tích sợ rùn mình về tinh thần chiến đấu tồi tệ của các đơn vị Việt Cộng.
“Đã có thể nhìn thấy kết thúc của cuộc chiến”, Tướng Westmoreland hứa hẹn. Sếp chương trình bình định của ông ấy, Komer, ca ngợi tiến trình bình định đang diễn ra trong đất nước. 67% của Nam Việt Nam, người Mỹ được giải thích như thế, đã không còn có Việt Cộng nữa.
Westmoreland chờ đợi một trận tấn công cuối cùng trong miền Nam. Thế nhưng Giáp lại tập trung 40.000 người Bắc Việt Nam trước Khe Sanh. Người Mỹ phải điều những lực lượng lớn đến biên giới Bắc. Giáp lén đưa Việt Cộng của ông ấy vào những chỗ trống thành hình. Pháo mừng năm mới cũng là phát súng hiệu của trận đánh tập trung lớn nhất của cuộc chiến.
Với lần tấn công vào các thành phố, Giáp “đã đạt được một chiến thắng chính trị nổi bật” (thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Edward Kennedy): nó cung cấp bằng chứng cho việc rằng Việt Cộng có thể tấn công bất cứ lúc nào và ở nơi nào mà họ muốn. Họ cho những người nông dân thấy tận mắt rằng sự bảo vệ là đáng nghi ngại cho tới đâu, sự bảo vệ mà nước Mỹ có thể thực hiện ở nông thôn một khi mà còn chẳng có khả năng giữ được các thành phố.
Giới quân sự Hoa Kỳ nói về một “hành động tuyệt vọng” và đếm được hơn 25.000 xác chết của đối phương – nhưng trong những câu chuyện cá nhân thì họ thừa nhận rằng chỉ lấy được có 5228 vũ khí của đối phương, và con số này cho thấy một con số tổn thất thấp hơn nhiều. Những người chết còn lại hẳn là thường dân.
Ở Washington, người bạn thân cận của Kennedy lúc trước, Arthur Schlesinger, yêu cầu triệu hồi Westmoreland – ngay giữa trong trận đánh: “Tôi đau buồn khi nghĩ rằng cuộc sống của hàng ngàn người Mỹ trẻ tuổi hàng ngày được giao phó cho một người với khả năng phán đoán của Westmoreland.”
Nhưng phán đoán của Westy vẫn lạc quan, cả về Khe Sanh: Tuy là quân địch mạnh hơn những người bảo vệ cứ điểm đến gấp năm lần, nhưng họ chỉ có thể tấn công vào căn cứ Hoa Kỳ sau khi “xuyên qua một hẽm núi sâu, bùn lầy, bao bọc lấy Khe Sanh. Khi quân Đỏ bị kẹt lại trong bùn lầy thì người Mỹ sẽ ném bom từ trên không và đánh tan họ.”
Tất nhiên: người Bắc Việt chẳng cần phải xung phong vào Khe Sanh, họ có thể bắn nát nó ra. Những khẩu đại bác 152 milimét của họ có tầm xa gần 20 kilômét – qua bùn lầy và rừng rậm. Ngay khi chỉ bị bắn phá ở mức độ vừa phải, những người đang bị bao vây đã mất 21 người trong thứ năm vừa rồi.
Quân Đỏ đã tràn ngập cứ điểm Lang Vei quan trọng, nằm trước Khe Sanh bảy kilômét, trong tuần vừa rồi – cũng như Việt Minh chiếm tiền đồn “Beatrice” trước Điện Biên Phủ trong lần tấn công đầu tiên năm 1954. Lần đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kéo dài 22 năm, nhà chiến lược Giáp đã để cho xe tăng xuất phát – chín chiếc PT-76 của Xô viết.
Trong lúc đó, thiện xạ của Việt Cộng vẫn còn gìm chặt lính Mỹ và đồng minh trong các thành phố của miền Nam. Trên Đại Nội của Huế, lá cờ của Việt Cộng vẫn còn tung bay. Cuộc chiến tranh đường phố vẫn còn diễn ra ác liệt trong khu người Hoa Chợ Lớn của Sài Gòn.
Các nhà chiến lược Mỹ chỉ còn sự lựa chọn tập trung quân lực để giải tỏa các thành phố hay tụ họp mọi lực lượng để giải vây cho Khe Sanh.
Giới quân đội Nam Việt đứng bất lực trước cuộc tổng tấn công của những người đồng hương trong bí mật. Ai bị Việt Cộng ép buộc phải cung cấp đồ ăn thức uống, cuối cùng họ khuyên như thế, thì hãy bỏ thuốc ngủ vào trong thức ăn cho họ rồi tước lấy vũ khí của kẻ địch.
Trong lúc đấy, đạn của quân địch nổ tung trên phi đạo của căn cứ không quân Mỹ ở Đà Nẵng. Sở hữu phi trường này là tiền đề để 5000 người Mỹ đang bị bao vây ở Khe Sanh từ giữa tháng 1 có thể chống cự lại được. Vì từ Đà Nẵng, máy bay Hoa Kỳ mang thuốc men, vũ khí và đạn dược đến đấy hàng ngày.
Chúng cũng mang cả bom đến. Nhưng một phần bom rơi xuống các vị trí của Mỹ – cũng như xuống các vị trí của Pháp ở Điện Biên Phủ. Vì chiến tuyến chính của Khe Sanh bao gồm một vùng chỉ hai kilômét vuông.
Thêm vào đó, mùa mưa để cho những quả bom tiếp tế cũng như lính nhảy dù dễ dàng đáp xuống ở phía đối phương – cũng như ở Điện Biên Phủ.
Nhưng giới quân sự Mỹ tin chắc rằng họ sẽ không trải qua một Điện Biên Phủ thứ hai ở Khe Sanh. Họ tin chắc tới mức họ còn ký kết điều đấy với người tổng tư lệnh của họ: bị Johnson thúc giục, các tham mưu của Liên Quân Hoa Kỳ đã bảo đảm giữ Khe Sanh bằng chữ ký của họ.
Westmoreland, được Johnson đích thân gọi điện nhiều lần, bảo đảm qua điện thoại. Tổng thống trong tuần trước nữa: “Tôi không muốn một Điện Biên Phủ khốn kiếp!”
Vào thời điểm đó, Khe Sanh mới bị nã pháo có 15 ngày. Trận đánh Điện Biên Phủ kéo dài 169 ngày.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135625.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét