Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Chiến tranh và tham nhũng ở Việt Nam (phần 1)

Lederer, William J.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 44/1968 (28/10/1968)
Kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ ở Việt Nam là tham nhũng. Nhưng Hoa Kỳ không thể xóa bỏ nó – từ nỗi lo sợ phải làm tổn thương người chủ nhà Việt Nam của họ. “Tôi nhìn thấy Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ bị bại trận như thế nào – không phải vì sức mạnh của đối thủ, mà vì những sai lầm của chính họ, sự bất lực của chính họ”, tác giả William J. Lederer, người trước đây mười năm đã (cùng với Eugene Burdick) viết quyển sách bán chạy gây tranh cãi “Người Mỹ xấu xí”. Lederer sau chuyến sang Việt Nam lần thứ chín: “Chúng ta hầu như đã làm hỏng tất cả những gì mà chúng ta động đến ở Việt Nam”. 
Mỗi một chính phủ được Hoa Kỳ giúp nắm lấy quyền lực ở Việt Nam đều chứng tỏ là mình không có khả năng. Tất cả họ đều bị người dân Việt Nam khước từ: đầu tiên là chế độ người Pháp, rồi chính phủ Ngô Đình Diệm, cuối cùng, sau một thời gian đảo chính và đảo chính ngược lại, chính quyền quân đội dưới Tướng Thiệu và Thống chế Kỳ.
Một thước đo cho tính kém cỏi của các chế độ khác nhau là quy mô của tham nhũng trong chính phủ. Ở đây, tôi không nói về thói quen châu Á đã được chấp nhận chung của “tiền boa” thích đáng cho những dịch vụ đã được thực hiện – một thói quen đã phát triển từ việc trả lương thấp truyền thống cho nhân viên nhà nước.
Tham nhũng ở Việt Nam đã đi quá xa quy mô truyền thống này. Ví dụ như nó là cách thông thường để có được một chức vụ trong chính phủ, và cũng là lý do thông thường để ham muốn chức vụ đấy – và là ở tất cả các bậc của hệ thống, từ dưới lên trên, từ viên cảnh sát đến tướng lĩnh hay tỉnh trưởng.
Tôi biết chợ đen Việt Nam lần đầu tiên ở Sài Gòn. Tôi giải thích cho viên sĩ quan của Public Relation của Lục Quân trong Juspao (Joint United States Public Affairs Office), rằng tôi muốn đi hành quân với quân đội, và hỏi rằng tôi có thể mua quân phục và giày ủng đi rừng ở đâu.
“Chúng tôi có rất nhiều thứ cho phóng viên, nếu như họ có đúng các loại giấy tờ”, ông ấy trả lời và đưa cho tôi một giấy phép mua quân phục trong cửa hàng PX riêng của quân đội.
Một người bạn chở tôi trên chiếc xe gắn máy của anh ấy đến cửa hàng PX lớn trong khu phố người Hoa Chợ Lớn của Sài Gòn. Ở bên ngoài khu vực được bảo vệ bằng bao cát và lính Mỹ cầm súng có một bãi đậu xe cho khách hàng. Ở đấy, có những đứa bé người Việt chạy đến với cánh tay chìa ra và đòi “tiền giữ xe Jeep (hay xe máy)” – để đừng “có người” cắt dây của bộ đánh lửa hay xì hơi ra khỏi bánh xe.
Tôi bực tức mô tả lại tình trạng đấy cho một sĩ quan của gian hàng PX. Thế nhưng ông ấy trả lời: “Con đường này là lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Chúng tôi chỉ là khách trong đất nước này. Chúng tôi không có thẩm quyền cho những gì xảy ra trên con đường này. Những đứa trẻ ở đây có thể bán hàng ăn cắp từ PX ra ở ngoài đấy mà chúng tôi không được phép làm gì để chống lại chúng cả. Chỉ có cảnh sát Việt Nam là có thể can thiệp. Chúng tôi là khách trong đất nước này – Tướng Westmoreland đã ra lệnh như thế.”
Để đáp lại lời nhận xét dễ hiểu của tôi, rằng đấy là một cách thức đối xử kỳ lạ với khách, những người đã hy sinh hàng ngàn mạng sống của họ để bảo vệ cho chủ nhà, viên thiếu tá chỉ nhún vai: “Đấy là đất nước của họ. Chúng tôi chiến đấu và chết trong chiến đấu, vì chúng tôi được người Việt Nam cho phép tiến ra các chiến trường này. Việc đậu xe gắn máy trên đường phố của họ thì là một việc khác!”
Một hạ sĩ quan dẫn tôi đến gian quân phục. Nhưng khi tôi đưa cho người bán hàng tờ giấy phép của tôi, ông ấy lắc đầu: “Từ nhiều tháng nay chúng tôi đã không còn quân phục và giày ủng đi rừng nữa.”
“Anh nghĩ khi nào thì có hàng mới?”
Ông ấy bất lực giơ hai tay lên và nhún vai.
Bạn tôi và tôi trở ra đường, sửa chữa dây đã bị cắt ngang của bộ đánh lửa ở chiếc xe gắn máy và chạy trở về Juspao. Ở đấy, tôi tường thuật lại cho viên sĩ quan Public Relation, rằng cửa hàng PX không có sẵn quân phục đi rừng. Ông ấy cười và nói rằng tôi phải cố mua chúng ở nơi mà cả ông ấy và người của ông ấy cũng mua chúng – ở chợ đen. “Có thể là người ta sẽ yêu cầu ông trả nhiều hơn một vài dollar, nhưng bù vào đấy thì trang thiết bị bao giờ cũng có ở đó và đủ các cỡ.”
Tôi đi dọc theo con đường, ngang qua ngôi nhà của USO (United Service Organisation), qua những chợ bán hoa và quán ăn. Sau khoảng năm phút, tôi gặp “Chợ Đen Nhỏ” (cái tên này nói rằng ở nơi khác còn có chợ lớn hơn nữa).
Hàng trăm khách hàng, trong số họ có bốn hạ sĩ quan Mỹ, một đại úy Lục Quân và một sĩ quan hành chính của Hải Quân Hoa Kỳ, chen qua các gian hàng đầy người và xem xét hàng được bày bán. Bốn cảnh sát người Việt giữ trật tự.
Các loại hàng PX được ưa chuộng đều có cả: rađiô bán dẫn, chăn, máy nướng toast, máy trộn, đồng hồ đeo tay và những loại đồng hồ khác, bút mực, thuốc điếu, thuốc lá, áo sơ mi, máy truyền hình, máy chụp ảnh, phim, hàng vệ sinh, dược phẩm, đồ lót phụ nữ, tất, nhiều loại rượu mạnh ngon nhất của Mỹ và hầu như tất cả các loại đồ hộp có trong cơ quan hậu cần của quân đội.
Tôi hỏi một nhân viên người Việt Nam, rằng có phải là phạm luật không, khi bán hàng được ăn cắp ra từ cửa hàng PX. Tất nhiên điều đấy là vi phạm luật pháp, ông ấy trả lời tôi; nhưng hoàn toàn không thể chứng minh được rằng các loại hàng hóa này thật sự là hàng ăn cắp. Tôi chỉ ra rằng hầu như món hàng nào cũng mang nhãn PX và cửa hàng PX chắc chắn là người duy nhất nhập những loại hàng này.
“Đúng là vậy”, ông ấy trả lời, “nhưng ở trong nước này, để có thể tuyên bố hàng đấy là hàng ăn cắp thì phải bắt được quả tang tên ăn cắp. Người ta phải hết sức cẩn thận với những lời buộc tội. Dấu PX đóng trên chai cognac này có lẽ cũng là một nhãn hiệu?”
Trên đường tìm quân phục và ủng đi rừng, tôi đi qua lại các gian hàng, nhưng không thể phát hiện ra chúng ở đâu cả. Rồi một người phụ nữ bán hàng ở chợ đen bước đến với tôi và hỏi tôi bằng tiếng Anh, tôi tìm gì. Tôi nói cho bà ấy biết, sau đấy bà ấy nói: “Chúng tôi có đủ quân phục – mũ, quần, giày, áo, tất cả những gì mà ông muốn có. 4800 đồng hay 30 dollar. Ông có muốn không?”
“Tôi muốn nhìn thấy chúng trước đã.”
“Ông có mua nếu như chúng còn hoàn toàn mới và đúng cỡ không?”
“Vâng, tất nhiên rồi. Tôi có phải trả tiền ngay bây giờ không?”
Người đàn bà quay sang một đứa trẻ, nói điều gì đấy bằng tiếng Việt và đưa cho nó một tờ giấy. “Ông đi theo thằng bé này và trả tiền khi ông nhận được trang bị.”
Đứa bé dẫn tôi đi dọc theo con đường vào một cửa hàng có bày bán bình bằng đồng ở cửa sổ. Một người đàn ông già lạch cạch với những hạt của một cái bàn tính. Ông già lặng lẽ dẫn tôi đi qua cửa sau của cửa hàng, qua một sân trong vào một hành lang có mùi hôi của rau cải thối, và rồi lên hai cái cầu thang tối tăm cũng như hôi thối vào trong căn gác của một ngôi nhà khác.
Ở đây trông giống như trong một kho vũ khí của quân đội Mỹ. Tất cả dường như được sơn màu nâu và có mùi dầu hay mùi sơn còn mới. Trang thiết bị, có gắn bảng giá được in ra, được dựng thành hàng ngay ngắn. Súng tự động có giá 250 dollar, một súng cối hạng nặng 400 dollar.
Khoảng 1000 cây súng Mỹ nhiều loại khác nhau được xếp thành hàng ngay ngắn. Một cây M-16 có giá 80 dollar. Treo ở phía bên kia của căn gác là quân phục của tất cả các binh chủng, kể cả của Không Quân Hoa Kỳ. Ngay thiết bị lặn của Hải Quân cũng có.
Người đàn ông già hỏi số của tôi và rồi mang ra cho tôi bộ quân phục và giày ủng như ý muốn.
Sau đó, cũng vào tối hôm đấy, tôi nói chuyện với một người bạn cũ, người mà tôi muốn gọi là Tran Trong Hoc (và người mà tôi sẽ tường thuật thêm về anh ấy sau này), về chợ đen. “Cái mà anh thấy thì chẳng là gì cả”, anh ấy nói. “Anh hãy đi xe ra bờ biển và xem những người buôn bán lớn hoạt động. Toàn bộ chính phủ Nam Việt Nam đều có dính líu vào những thương vụ này.” “Cả người Mỹ nữa?”
“Nhiều người đã trở thành triệu phú ở đây – giống y như thời trước, khi quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật và Đức. Điều đấy thì anh có thể tin tôi; vì số mua bán chợ đen ở Việt Nam hàng năm là vào khoảng mười tỉ dollar – tính bằng hàng hóa Mỹ và bằng tiền. Nếu không có sự âm thầm đồng ý của người Mỹ thì những thương vụ này không thể nở rộ được – nếu thế thì không thể.” Tôi không trả lời.
(Còn tiếp)
Lederer, William J.
Phan Ba dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét