Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Cố gắng cuối cùng

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 08 / 1968 (19/02/1968)

Có lẽ họ đã từng là một gia đình, cũng như những đống đổ nát quanh họ đã từng là một thành phố. Cả hai, gia đình đấy và thành phố Huế của họ, bây giờ là những phần còn lại, không biết rằng mình có sống sót hay không.
Trên lối đi bằng những tấm ván dễ gãy, bắt ngang qua đống lộn xộn bằng thép đấy, cái đã từng là một cây cầu và bây giờ nằm trong dòng sông, có hai người già đang bò qua, đầy máu từ trên đầu xuống tới thắt lưng, bám chặt vào nhau và được một thiếu niên chống đỡ. Phía sau họ là một người đàn ông trẻ tuổi, không bị thương. Ông ấy mang theo một đứa bé gái, có lẽ là sáu tuổi và đã chết.
Mậu Thân Huế
Người tỵ nạn chạy trốn khỏi khu vực do người Cộng Sản kiểm soát. Ảnh: Vietnam Center and Archive
Họ chỉ là một gia đình trong số hàng ngàn gia đình, những người chịu đựng hay chết với thành phố của họ, nơi ngự trị xưa cũ của các hoàng đế ở miền Trung.
Có 3000 người trong thường dân trên toàn Việt Nam (ngoài Sài Gòn) là nạn nhân, chính phủ Sài Gòn tuyên bố như thế trong cùng ngày, của cuộc tấn công vào đầu năm của Việt Cộng – chỉ là một con số ao ước cũng như nhiều con số khác: người Mỹ ở Sài Gòn bí mật ước lượng con số nạn nhân trong thường dân là 21.000, và ít nhất là 3000 chỉ riêng ở Huế.
Nhưng có lẽ thành phố này không được Sài Gòn kể tới, mặc dù nó là thành phố lớn thứ ba của đất nước: vì Huế, thành phố của vinh quang và tinh thần của Việt Nam, nơi chủ tịch nước Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng đi đến trường, cũng là trung tâm của giới trẻ nổi loạn của nó.
Trước đây hơn 150 năm, hoàng đế Gia Long đã lần đầu tiên cai trị một nước Việt Nam thống nhất từ Huế. Từ đấy, thành phố giữa dòng sông Hương và núi Ngự Bình, luôn là một biểu tượng của đất nước này.
Kháng chiến chống các ông chủ thực dân Pháp cũng đã lớn lên ở Huế – và thành phố đã bị trừng phạt trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Ở Huế, phật tử và giới trí thức đã nổi dậy chống lại viên Tư lệnh Không quân Kỳ nghe theo người Mỹ và đã phóng hỏa đốt Tổng lãnh sự quán Mỹ. Đó là một cố gắng cuối cùng, xuất phát từ thành phố cổ xưa – cái nằm giữa Sài Gòn và Hà Nội không chỉ về mặt địa lý – để tạo nên một quyền lực thứ ba, quốc gia, giữa những người Cộng Sản và những người tham nhũng.
Cố gắng đấy đã thất bại, và kể từ đấy, người dân Huế chống người Mỹ nhiều hơn là chống người Cộng Sản. Vì thế mà quân Đỏ và quân du kích, mạnh đến ba trung đoàn, đã có thể chiếm được thành phố này như là mục tiêu chính của cuộc tấn công vào dịp Tết của họ mà không cần phải chiến đấu.
Hoàng Thành, Đại Nội, Huế, Mậu Thân
Hoàng Thành 1968. Ảnh: Vietnam Center and Archive
Họ đã chọn Huế để làm thành trì của họ. Khi trong các thành phố bị tấn công khác chỉ còn lại thiện xạ đỏ và những nhóm phá hoại, thì lá cờ Cộng Sản vẫn còn bay trên dinh thự của hoàng đế trong Đại Nội.
Lính bộ binh, nhảy dù và biệt động quân Nam Việt không thể làm được việc mà các viên tướng của họ ra lệnh: chiếm lại Huế, nhanh chóng. Lính cổ da Mỹ đánh cận chiến chiếm ngoại ô ở phía nam của con sông, nhưng thất bại vì những bức tường dầy gần bốn mét của Hoàng Thành.
Đó chính là bản án tử hình cho thành phố. Nó đã chảy máu trước đấy từ nhiều vết thương rồi. Trường Đại học và bệnh viện tâm thần được xây dựng với sự giúp đỡ của [Tây] Đức bị tàn phá, chợ thành tro, và trong những đống đổ nát giữa các chiến tuyến có hàng trăm người chết, không có nước, không có thức ăn, không có trợ giúp y tế. (Các bác sĩ Đức của bệnh viện đã lọt vào tay của Việt Cộng và phải chăm sóc cho thương binh của quân Đỏ.)
30.000 người chạy trốn, chạy bộ vào các ngôi làng và đồi núi quanh thành phố, trên thuyền xuôi theo sông, hay họ trốn vào trong những đống đổ nát của vùng ngoại ô. Nhưng trụ lại trong trung tâm thành phố, được tăng cường bở sinh viên và phật tử, là những người lính đỏ và du kích quân dưới quyền chỉ huy của một viên tướng từ Hà Nội.
Nhưng thủ đô bí mật của đất nước không được phép cứ nằm trong tay của kẻ địch. Tổng tư lệnh Hoa Kỳ Tướng Westmoreland gửi Tổng tham mưu của ông ấy, Tướng Abrams, đến Huế. Lần đầu tiên kể từ Tướng MacArthur huyền thoại của Chiến tranh Thái Bình Dương và Chiến tranh Triều Tiên, một viên tướng bộ binh tiếp nhận quyền chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến.
Abrams quyết định: nếu như không chiếm lại được Huế thì cần phải phá hủy nó.
Biên tập viên SPIEGEL Siegfried Kogelfranz nhìn thấy người Mỹ bắt đầu thi hành bản án tử hình cho Huế như thế nào. Vào thứ tư vừa rồi, vào lúc 12 giờ 14 – ngày thứ 16 của trận đánh – những chiếc máy bay phản lực F-8 Crusader đầu tiên của Thủy Quân Lục Chiến đã từ hướng núi Ngự Bình, cái bảo vệ thành phố Huế trước những ngọn gió Nam bão tố, sà xuống các mái nhà của Đại Nội. Cầu lửa sẫm màu lóe sáng lên và rồi tạo thành những chiếc nấm bằng khói có màu đen.
Skyraider của Không quân Nam Việt Nam cố phá vỡ bức tường của Hoàng Thành bằng bom nổ, máy bay trực thăng gunship bắn hỏa tiễn và lựu đạn cay, chiến hạm Mỹ thả neo trước bờ biển và khai hỏa những khẩu đại bác 152 milimét của họ. Đó là trận oanh kích phối hợp hải lục không quân lớn nhất xuống một thành phố Nam Việt Nam.
Nhưng chỉ có thêm những người tỵ nạn và bị thương vượt qua sông – lúc nào cũng thế ở Việt Nam, trẻ em, phụ nữ, người già.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 08/1968

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét