Mỹ trở lại châu Á
Vào ngày 17 tháng Mười Một 2011 Barack Obama đọc một bài diễn văn lịch sử trước Quốc hội Úc ở Canberra. Hoa Kỳ trong tương lai sẽ quan tâm nhiều hơn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống nói, người được sinh ra trên Hawai và đã sống một vài năm ở Indonesia, và qua nơi sinh mà cảm nhận mình là một tổng thống của Thái Bình Dương. Hoa Kỳ – theo Obama ở Canberra – sẽ đóng một vai trò lớn hơn và mang tính lâu dài trong việc định hình khu vực này. Và rồi ông nói câu hẳn là đã được trích dẫn nhiều nhất từ bài diễn văn này: “Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi tới đây để ở lại đây.”
Bài diễn văn Canberra là đỉnh cao của một cuộc tấn công trên truyền thông của người Mỹ. Từ nhiều tháng trước đó, trong nhiều bài báo, phỏng vấn và diễn văn, các bộ trưởng quan trọng nhất của Obama đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại như là một cường quốc Thái Bình Dương. Như Hillary Clinton trong một bài diễn văn tại East-West Center ở Honolulu, rằng thế kỷ 21 của Mỹ sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương. “Thay vì lui về”, theo Clinton ở Hawaii, “chúng ta phải thể hiện sự hiện diện và nhấn mạnh tới yêu cầu lãnh đạo của chúng ta.” Sự định hướng mới sang Viễn Đông này của chính sách ngoại giao và an ninh Mỹ được gọi là pivot, chuyển trục.
Lần trở lại châu Á này của Mỹ, được tuyên bố rất hoành tráng và hùng hồn, khiến cho người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ đã không có mặt ở đây. Nhưng họ có thật sự là đã từng đi khỏi không? Tuy trong thời của Bush, người Mỹ chú tâm tới vùng này có ít hơn một chút vì các hoạt động ở nơi khác (Afghanistan, Iraq), nhưng quân đội của họ lúc nào cũng có mặt ở châu Á.
Nhưng cái mới ở đây là việc quân đội Hoa Kỳ ở Viễn Đông sẽ được tăng cường – mặc cho những vấn đề lớn về ngân sách ở Washington. Lầu Năm Góc phải tiết kiệm ở mọi nơi mọi chỗ, nhưng ngoại trừ khu vựcThái Bình Dương. Obama nói hết sức rõ ràng ở Canberra: “Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ không – tôi nhắc lại – không phương hại gì tới kế hoạch ở châu Á Thái Bình Dương.”
Điều đó có nghĩa cụ thể như thế nào, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Leon Panetta đã giải thích vài tháng sau đó ở Singapore. Trước hết là Thủy Quân Lục Chiến sẽ thể hiện sự hiện diện nhiều hơn nữa trên các vùng biển Thái Bình Dương. Nếu như sự hiện diện của tàu chiến Mỹ giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cho tới nay được phân chia theo tỷ lệ 50:50 thì trong tương lai nó sẽ là 60:40 nghiên về cho Thái Bình Dương. Sáu chiếc hàng không mẫu hạm sẽ có mặt liên tục ở Thái Bình Dương. Và ở Singapore, Panetta cũng tuyên bố trước giới quân đội đã tụ họp lại của vùng này: “Trong những năm tới đây, chúng tôi sẽ tăng số lần cũng như quy mô những cuộc tập trận của chúng tôi ở Thái Bình Dương.”
Vùng này hiện nay quan trọng như thế nào đối với giới quân sự Mỹ, điều này cũng có thể nhận biết được qua việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Martin E. Dempsey, Tổng tham mưu trưởng, cứ hai tuần một lần là có một hội nghị video với viên Tổng Chỉ huy khu vực Đô đốc Samuel J. Locklear. Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, một trao đổi liên tục như vậy thông thường là chỉ với những vùng đang có chiến tranh.
Người Á phản ứng như thế nào trước sự trở lại của người Mỹ? Mâu thuẫn. Đồng minh như Nhật Bản thì chào mừng bước đi này. Ấn Độ cũng vỗ tay, nhưng có hơi dè dặt. Ở Malaysia và Indonesia thì người ta dè dặt hơn. Ở đó, người ta lo ngại rằng căng thẳng trong vùng do sự kình địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà sẽ tăng lên. Đặc biệt các quốc gia ASEAN lo ngại rằng người ta sẽ bị lôi kéo trong một cuộc xung đột giữa hai cường quốc. Những nước này muốn không phài ủng hộ một phía. Vì vậy mà trước tiên là họ tìm tới quan hệ tốt với cả hai. Với Trung Quốc, vì gã khổng lồ châu Á là đối tác kinh tế quan trọng nhất của họ; với Hoa Kỳ vì nước này đưa cho họ sự an toàn cần thiết, nếu như người Trung Quốc phát triển và muốn thỏa mãn những thèm muốn bá chủ toàn cầu hay ít nhất là trong vùng.
Nhưng người Đông Nam Á còn có thể đi dây như vậy thêm bao nhiêu lâu nữa? Khi nào thì giờ khắc quyết định sẽ đến?
Ngay từ bây giờ đã có thể nhận thấy được rằng liên minh ASEAN đang vỡ ra và có nguy cơ tan rã ra thành hai phe, một phe theo Trung Quốc và một phe theo Mỹ. Hai thế lực này đang ra sức ve vãn tình cảm ở trong vùng. Mới đây, Hoa Kỳ đã bổ nhiệm một đại sứ tại ban thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta của Indonesia, như là một dấu hiệu cho sự gắn bó mới của họ.
Người Đông Nam Á đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không có nhiều tự do lựa chọn. Ngay từ bây giờ thì từ ngữ “Phần Lan hóa” đã lan đi trong vùng này. Vào thời của một Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, cung cách đối xử rẻ tiền, thận trọng của Phần Lan đối với láng giềng Liên bang Xô viết to lớn của họ được gọi là Phần Lan hóa. Các quốc gia láng giềng châu Á của Trung Quốc bây giờ đang ở trong cùng một vai trò như Phần Lan ngày xưa. Họ phải tự dàn xếp như thế nào đó với gã khổng lồ hùng mạnh ở phía Bắc.
Ngay cả Australia xa xôi hơn một chút cũng bị vướng vào trong cùng một tình thế tiến thoái lưỡng nan như các nước láng giềng châu Á trong vùng. Cả châu lục thứ năm cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng phụ thuộc Hoa Kỳ về mặt chính trị-quân sự. Câu hỏi, Australia trong tương lai phải hướng tới ai, được thảo luận sôi nổi. Chuyên gia quốc phòng và giáo sư chính trị Hugh White đã kêu gọi trong bài viết được chú ý và thảo luận nhiều của ông, Power Shift: Australia’s Future Between Washington and Beijing, rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải cộng tác trong vùng thay vì kình địch với nhau. Tuy vậy, điều đó có nghĩa là người Mỹ phải lui bước. Do đó mà White đề nghị: “Chúng ta nên thuyết phục người Mỹ ở lại, nhưng không thống trị.”
Hiện giờ thì tất nhiên là trông không có vẻ như người Mỹ sẽ trở nên khiêm tốn hơn trong vùng này. Còn ngược lại: Họ – cũng như người Trung Quốc đang tăng cường vũ trang và bành trướng lãnh thổ – đang chơi một trò chơi kép. Họ muốn bao vây Trung Quốc về mặt quân sự và ngăn chận về mặt kinh tế.
Một khối thương mại chống Trung Quốc
Một vùng tự do thương mại quanh Thái Bình Dương: bên này là các quốc gia châu Mỹ, bên kia là các quốc gia châu Á – đó là giấc mơ to lớn của người Mỹ, giấc mơ mà họ muốn hiện thực nó trong những năm tới đây. Giấc mơ này mang cái tên tương đối phi lãng mạn Trans-Pacific Partnership (TPP). Mười một quốc gia hiện đang thương lượng về một hiệp ước như vậy, trong đó là Hoa Kỳ, Spiritus Rector [“tinh thần dẫn đầu”] của TPP, Australia, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Nước Nhật cũng đã bày tỏ sự quan tâm của mình.
Vào cuối một quá trình thương lượng dài, vùng tự do thương mại lớn nhất thế giới có thể sẽ thành hình mà trong đó hàng hóa và dịch vụ có thể lưu thông không gặp những trở ngại lớn như thuế quan. Tất cả các thành viên của vùng sẽ có thêm tăng trưởng – ít nhất là trên lý thuyết.
Chỉ có một đất nước sẽ không hưởng lợi từ đó: Trung Quốc. Người Trung Quốc không có mặt trong các cuộc thương lượng. TPP này – ngay cả khi người Mỹ không nói ra – có định hướng chống Trung Quốc. Tuy là họ tuyên bố công khai, cả Trung Quốc cũng có thể tham gia vào vùng này, ví dụ như Barack Obama đã nói trong bài diễn văn Canberra nổi tiếng của ông. Nhưng đồng thời, người Mỹ lại đặt ra cho người Trung Quốc những điều kiện cao tới mức họ sẽ không bao giờ muốn và có thể tham gia. Trước hết là các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, về các tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường cũng như về các công ty nhà nước đã được lập ra sao cho người Trung Quốc không thể chấp nhận chúng được.
Hoa Kỳ đẩy mạnh các cuộc thương lượng về TPP trước hết là từ hai động cơ. Thứ nhất, họ hy vọng qua thương mại tăng lên với các quốc gia TPP mà sẽ có được kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế đang dậm chân tại chỗ của họ. Và thứ nhì, họ muốn qua đó mà ngăn chận ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong châu Á.
Vì người Mỹ đang lo lắng về thế thống trị kinh tế của Trung Quốc trong châu Á còn lại. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong gần như tất cả các nước trong vùng. Điều này tạo ra sự phụ thuộc mà Hoa Kỳ không thích nhìn thấy. Ngoài ra, họ lo sợ sẽ bị loại trừ ra về kinh tế. Họ có ít hiệp định thương mại tự do với các nước châu Á hơn là Trung Quốc.
Người Trung Quốc đã sớm có các hiệp định song phương và đa phương với mười quốc gia ASEAN và các nước khác của khu vực Thái Bình Dương. Hiệp định quan trọng nhất cho tới nay là Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAn và Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng 2010. Với 1,9 tỷ người và tổng số thương mại gần 500 tỷ, nó là khối thương mại lớn thứ ba của thế giới – sau EU và North American Free trade Agreement NAFTA (Hoa Kỳ, Canada và Mexico).
Với TPP trên kế hoạch, bây giờ người Mỹ muốn bắt đầu chống lại các liên minh về kinh tế của người Trung Quốc. Và đó không phải là showdown duy nhất của hai cường quốc thế giới trong vùng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét