Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 45)Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 45)

Lời Ai Điếu
Bài học thứ ba về Nguyễn Khắc Viện là bài học dân chủ.
Theo ông thì một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa những năm qua là coi những giá trị tinh thần mà các cuộc cách mạng tư sản đã giành được như các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền… không phải là những giá trị chung của nhân loại tiến bộ. Như thế, vô hình chung chúng ta đã xem những giá trị ấy thuộc về giai cấp tư sản. Mà không hay rằng chính nhân dân đã đổ xương máu để dành được những quyền đó từ giai cấp thống trị.
Chính vì quan niệm lệch như trên, khi xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, người ta đã không kế thừa mà đem đối lập nó với dân chủ tư sản. “Thậm chí ‘cứ làm ngược lại với dân chủ tư sản’ thì có ‘dân chủ xã hội chủ nghĩa’. Rốt cuộc, không những phá bỏ tính chất tư sản của dân chủ, mà còn phá bỏ ngay cả bản thân dân chủ nữa” (Nguyễn Khắc Viện – Cách mạng 1789 và chúng ta – NXB Thành phố HCM 1989, trang 155).
Vì thế, theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng đề xướng từ Đại hội VI (1986), vấn đề dân chủ hóa đất nước là một nội dung quan trọng không kém gì vấn đề đổi mới kinh tế đất nước. Ông kiên quyết đưa ra ý kiến. Cải cách kinh tế sau đó phải đi liền với cải cách chính trị, nếu không sẽ thành một xã hội do bọn Mafia điều hành.
Sau 26 năm sống ở Pháp và đi nhiều nước châu Âu, Nguyễn Khắc Viện quá hiểu xã hội tư bản. Ông nhiều lần nói với tôi: “Nhà nước tư sản rất mạnh vì nó tuyển chọn vào bộ máy toàn những người đỗ đạt cao, tài giỏi, vì thế nó vừa có quyền lại vừa có uy, thế mới gọi là uy quyền. Nhưng nó phải đối đầu với một xã hội công dân rộng lớn, một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tổ chức, nhiều đảng phái, giáo hội từng giờ từng phút chất vấn, đấu tranh, giằng co, vận dụng rất nhiều hình thức kinh hoạt với mục tiêu cuối cùng là ngày càng mở rộng quyền tự do dân chủ và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Mặt trận đó xuất hiện từ 200 năm nay, từ khi cách mạng tư sản nổ ra.”
Ông cũng căn dặn tôi: “Cách mạng Pháp 1789 nêu khẩu hiệu Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Trên cái nền ấy mà nước Pháp trở nên giàu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giàu như nước ta thì đạo lý sẽ suy thoái. Nếu thầy thuốc chỉ lo làm giàu thì bóp nặn bệnh nhân. Nhà báo như cậu mà lo làm giàu thì sẽ bẽ cong ngòi bút. Tư bản là kẻ giàu có, vì thế không có chuyện liều mạng như vô sản, phải biết thóp điều đó để mà chơi với tư sản”. Về nước Mỹ, ông nói: “Thử tưởng tượng nếu 6-7 tỷ người trên Trái Đất này đều có mức sống như người Mỹ hiện nay, mỗi người một chiếc ô tô, năm mươi đến sáu mươi bộ quần áo, hằng năm đi du lịch khắp thế giới này thì năng lượng và tài nguyên của Trái Đất này còn gì nữa?”
Quá hiểu bản chất của chế độ tư bản không thay đổi nên Nguyễn Khắc Viện trở thành người sùng bái Liên Xô. Hy vọng ở Liên Xô. Năm 1963 khi bị Pháp trục xuất về nước, bước chân xuống ga Hàng Cỏ Hà Nội, ông đã nói một câu nổi tiếng: “Nếu mở mắt ra nước Việt Nam trở thành nước Pháp thì tôi đi theo chủ nghĩa tư bản, nhưng phải đi 200 năm “đầy máu và nước mắt” (Marx) thì tôi đi theo Liên Xô!” Báo chí đã vin vào câu nói đó của nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện để tán dương ầm ĩ.
Đùng một cái Liên Xô sụp đổ tan tành!
Một tiếng sét ngang tai với những cán bộ cách mạng lão thành ở Việt Nam, trong đó có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nhưng là một trí thức cấp tiến, Nguyễn Khắc Viện dám đi tìm “niềm trung thành mới” (recherche de la nouvelle fidélité) như cách nói của Satre. Gặp ông trong buổi liên hoan mừng ông nhận giải thưởng lớn Pháp văn (1992) tại Viện Pasteur TPHCM, tôi hỏi thẳng người bạn vong niên, người thầy đáng quý của mình: “Bây giờ Liên Xô sụp đổ rồi thì cụ tính sao đây?” Bác Viện nói: “Tôi đi theo chủ nghĩa tư bản văn minh. Chơi hẳn với phương Tây, không chơi với bọn tư bản man rợ mới ngoi lên ở châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Singapore…” Sau này tôi đọc báo thấy các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, Đài Loan đấm đá đánh đập công nhân ta tôi càng phục bác Viện cao kiến.
Là một trí thức thương nước lo đời, khi về nước năm 1963, đi thăm khu gang thép Thái Nguyên, Nguyễn Khắc Viện vừa đi vừa lấy khăn tay lau nước mắt. Ông tâm sự với tôi: “Mừng quá, thế là nước mình sẽ có sắt thép sẽ có công nghiệp”. Cũng như nhiều trí thức Việt Nam yêu nước khác vô cùng vui mừng khi thấy nước nhà có sắt thép. Một dân tộc “đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) thì làm sao không vui mừng được! Chế Lan Viên sắc sảo thế mà còn véo von ca: “Những năm miền Bắc ăn ngô đẻ ra nhà máy thép”. Vậy là những cái đầu thông minh nhất của miền Bắc Việt Nam đều bị Trung Quốc lừa khi họ viện trợ cho ta mấy cái lò nấu thép cổ lỗ sĩ ở Thái Nguyên, càng nấu thép càng lỗ nặng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Gian thì bốn vụ chiêm xuân mất trắng vì mấy cái “quả lừa” ấy của Trung Quốc!
Nguyễn Khắc Viện yêu nước chân thành, yêu Đảng chân thành, vì thế trước đại hội Đảng lần thứ 7 ông đã có thư gửi Trung ương đề nghị giải tán Đảng! Hôm đó, tôi từ Tp HCM ra Hà Nội, đến chơi ông và được ông đọc cho nghe lá thư đó. Trong thư ông phân tích: khi Liên Xô đã tan rã mà ta đổi mới, mời tư bản vào Việt Nam mở nhà máy, xí nghiệp, công ty, thì tư bản là bóc lột, là phá hoại môi trường, nhất là bọn tư bản châu Á mới ngoi lên. Nếu nhà nước hợp tác với tư bản nước ngoài thì khi công nhân đình công, nhà nước sẽ huy động công an, quân đội đến đàn áp công nhân để bảo vệ tư bản, cũng là bảo vệ mình. Như thế thì bao công lao của Đảng với dân tộc trước đây sẽ đổ xuống sông xuống biển hết. Chỉ có con đường giải tán Đảng, trở thành Đảng đối lập với chính quyền để bảo vệ nhân dân, bảo vệ môi trường thì những gì tốt đẹp của Đảng Cộng Sản trước kia mới giữ lại được, người Cộng sản Việt nam mới còn có chỗ đứng trong lịch sử dân tộc.
Thế là Nguyễn Khắc Viện trở thành phản động! Nguyễn Văn Linh trước đây đã giơ cả hai tay đỡ lấy bài phát biểu của Nguyễn Khắc Viện tại hội nghị các nhà văn thì nay tuyên bố: “Nước này có hai thằng Nguyễn Khắc Viện thì tan nát!” Bà Nhất, vợ ông Viện đã nói với tôi rằng: “Anh Viện đã chuẩn bị sẵn một cái bị và một cái gậy, dựng ở góc nhà để sẵn sàng đi tù! Ở quê ông người ta đồn là ông đã đi tù. Vì thế, khi về quê, anh Viện phải tổ chức một cuộc nói chuyện ở trường cấp 1 trong xã để “cải chính” cái tin đồn ấy! Người ta đã ra lệnh miệng không báo nào được đăng bài của Nguyễn Khắc Viện.”
Khi ông vô TP HCM năm 1992, ở số nhà 22 Phan Đăng Lưu, một biệt thự của người em vợ làm Phó Giám Đốc Viện Pasteur TPHCM, tôi mượn một cái xe cứu thương của Bác sĩ Phụng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang lên ông chơi, chở lên biếu vợ chồng ông 1 giạ gạo, 1 cần xé trái cây. Ông hỏi tôi: “Cậu còn dám đến chơi với mình lúc này à?” Bác sĩ Phụng là người hâm mộ ông Viện, ông nói, đi xe cứu thương kéo còi ủ thì càng nhanh! Thế là chúng tôi đi xe còi ủ chỉ chở 1 giạ gạo và 1 cần xé trái cây.
Ngoài tấm hình tôi chụp cho bác sĩ Phụng với bác sĩ Viện, tôi còn chụp tấm hình nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện ngồi làm việc ở hàng hiên căn biệt thự này với cái ghế bắc mấy tấm ván chuồng heo trước mặt làm bàn làm việc. Tấm hình “độc đáo” này tôi đã cho in vào cuốn sách tái bản Nguyễn Khắc Viện như tôi đã biết vào đầu năm 2013, nhân một trăm năm ngày sinh của ông. Hồi đó, chủ nhà, chồng của người em vợ ông, chỉ dám cho ông ngồi ngoài hiên vì sợ liên lụy chứa chấp phản động! Ông em cọc chèo của bác Viện là giám đốc một cơ quan lớn ở thành phố Hồ Chí Minh lúc đó!
Đầu năm 1991, tôi đi Liên Xô, cũng là lúc bác Viện đang là phản động, Tôi được nghe tổng giám đốc Phan Quang của đài tiếng nói Việt Nam, phổ biến trong cuộc họp giao ban của đài: “Chúng ta phải có cách cư xử đúng mực với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, không thể đánh đồng bác Viện với những người khác!” Thời điểm đó, có hai nhân vật nổi cộm chống đảng là Dương Thu Hương và Nguyễn Khắc Viện.
Có lẽ vì uy tín quá lớn của Nguyễn Khắc Viện trên trường quốc tế và trong nước nên chính quyền đã không bắt tù ông. Hơn nữa, thời đó chưa có internet nên lá thư của ông gửi cho trung ương yêu cầu giải tán đảng cũng chỉ ít người biết và sau đó cũng chìm dần với thời gian. Đến khi Nguyễn Khắc Viện yếu nặng, khó lòng qua khỏi (1997), ông Đỗ Mười, đương kim tổng bí thư đã đến thăm ông tại nhà riêng. Ông Đỗ Mười về rồi thì từ lúc ấy bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không chịu ăn gì nữa! Bà Nhất gọi điện từ Hà Nội vào cho tôi nhờ tôi khuyên ông ăn cháo. Tôi hỏi lại: “Vì sao phải khuyên ông ấy?” Bà bảo: “Ông Viện nói là, ông Đỗ Mười đã đến thăm tôi rồi mà tôi không chết nó cũng… kỳ!”
Sau này bà Nhất còn kể cho tôi, do vợ con khóc lóc năn nỉ, Bác Viện mới chịu ăn cháo, nhưng lại dặn đừng cho nước mắm vào cháo vì nó có đạm lâu chết lắm(!). Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ra đi ngày 10 tháng 5 năm 1977, đúng như lá thư cuối cùng ông viết cho tôi đầu năm 1997. Lá thư có bốn chữ hán: “nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày ngày mới, lại ngày mới), cuối thư có mấy chữ: “Tôi ăn tết vui nhưng sức khỏe tồi tệ, không biết rồi còn có dịp gặp nhau nữa không…”
Suốt hơn 30 năm làm bạn vong niên với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từ lúc ông về nước, tôi phát hiện ra rằng con người này luôn bàn chuyện ngày mai. Càng về cuối đời, ông càng hay bàn chuyện tương lai, dự báo 10 năm, 20 năm nữa đất nước sẽ đi về đâu, khuôn mặt Việt Nam sẽ ra sao, con cháu sẽ sống như thế nào. Nếu có ai hỏi tôi: Ấn tượng mạnh nhất của anh về Nguyễn Khắc Viện? Tôi sẽ trả lời không đắn đo: Suốt đời con người này dốc toàn sức lực để dự báo những gì sẽ đến với dân tộc. Ông không run sợ khi nói lên sự thật, nói đúng sự thật. Người phương Tây có câu ngạn ngữ: ai nói đúng sớm quá là nói sai! (Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort). Cuối đời Nguyễn Khắc Viện đã phải trả giá cho những cái sai đó!
Năm không 82 tuổi, ông tâm sự với tôi: “Đời tôi là một đời ngây thơ. Thơ là đi kháng chiến cứu nước, tôi giữ nó lại, ngây là đi theo chủ nghĩa xã hội, tôi vứt nó đi. Nhưng nếu phải sống lại, tôi vẫn đi con đường đó!”
Nói cho thật công bằng thì trí thức yêu nước ở Việt Nam thế kỷ 20 khó có con đường nào khác. Đó là con đường đi theo đảng Cộng sản để đánh Pháp đuổi Mỹ… để cuối cùng bắt tay với anh bạn 16 chữ vàng Trung Quốc! Nhưng bắt tay xong, kiểm tra lại bàn tay thì không còn đủ năm ngón nữa! Đó cũng là sự “hàm hồ của lịch sử” như nhà văn nữ Dương Thu Hương viết sau ngày 30 tháng 4 năm 1975!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét