Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Những tội phạm dũng cảm (phần 1)

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 7 năm 1968 (12/02/1968)

Báo Der Spiegel số 07 / 1968
Báo Der Spiegel số 07 / 1968
Trận tấn công bắt đầu từ trên nghĩa trang, vũ khí xuất hiện từ trong những ngôi mộ.
Một trận dịch kỳ bí dường như đang lây lan trong thủ đô Sài Gòn của Nam Việt Nam trong những ngày cuối cùng của năm Mùi Phật giáo: đám tang đi xuyên qua thành phố lớn này nhiều hơn là bình thường, người Việt thương tiếc đặt mua quan tài nhiều hơn là bình thường.
Nhưng cái được cho là sự thương tiếc đó thì lại là lòng căm thù, trong các quan tài không có xác chết.
Khi Sài Gòn chào mừng năm Thân mới với pháo hoa trong đêm rạng sáng ngày thứ Ba tuần trước nữa, có những bóng người đầy bí mật mở mộ cũng như quan tài ra và lẻn đi với những gì ở trong đó: với súng máy được tra dầu tốt và đạn dược.
Cả chùa và nhà tư nhân cũng là kho vũ khí – như chùa Ấn Quang trong khu Chợ Lớn của người Hoa, như căn nhà số 266 trên đường Trần Quí Cáp, chỉ cách bản doanh của người lính Hoa Kỳ cao cấp nhất ở Việt Nam, tướng William C. Westmoreland, một vài khu phố.
Vũ khí vừa mới được phân chia ra thì cơn bão đỏ đã bắt đầu ở Việt Nam.
50.000 Việt Cộng (viết tắt của Việt Nam Cộng Sản) của Nam Việt Nam tấn công vào 30 trong số 44 tỉnh lỵ, chiếm cơ quan nhà nước và nhà máy, cố thủ trong khách sạn và sân sau.
Họ treo lá cờ đỏ-xanh của cuộc cách mạng họ lên Đại Nội của thành phố hoàng đế Huế cổ xưa, họ tấn công vào các thành phố đã được cho là tuyệt đối an toàn, và khiến cho Sài Gòn trở thành thành phố nguy hiểm nhất của đất nước bị chia cắt này. “Tôi tin rằng Hà Nội (đang bị Hoa Kỳ ném bom) còn an toàn hơn cả Sài Gòn trong tuần này”, một người Canada từ Ủy ban Kiểm soát Quốc tế cho Đông Dương nói.
Trong đêm đó, 19 người Việt Cộng đã bắn vỡ bức tường bảo vệ tòa nhà giống như một pháo đài của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Mãi sau sáu giờ chiến đấu, người Mỹ mới chiếm lại được khu đất đó. Việt Cộng trong những chiếc xe limousine Toyota của Nhật đã chạy đến trước Radio Saigon và chiếm lấy đài phát thanh này. Hỏa tiễn rơi xuống sân bay.
Không nơi nào là an toàn trước Việt Cộng. Họ bắt buộc tướng Mỹ Westmoreland phải tìm nơi nương náu trong một công sự không có cửa sổ. Họ đẩy đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đến một chỗ ẩn nấp ở ngoại ô. Họ khiến cho Việt Nam cũng trở thành chiến trường cho 350.000 người lính trong số trên 500.000 lính Mỹ ở Việt Nam, những người mà cho tới nay đã sống ở hậu phương cách xa tiếng súng bắn.
Trong vòng một tuần duy nhất có 416 người lính Mỹ hy sinh – Hoa Kỳ chưa từng bao giờ bị tổn thất nhiều như vậy trong vòng bảy ngày. Trong “tuần lễ của những sự ngạc nhiên” này (thiếu tướng Mỹ Chaisson), dường như Việt Nam đã chìm vào trong máu và tro và nước Mỹ đã bị đẩy đến bờ vực của một chiến bại.
Tuy là Việt Cộng không thể đuổi nửa triệu lính Mỹ được trang bị tốt nhất ra khỏi đất liền của miền Viễn Ấn – và có lẽ họ cũng không chờ đợi việc này. Việc mà những người Cộng Sản Việt Nam dự tính nhiều hơn là giới chính khách Mỹ sẽ hoài nghi các tướng lĩnh quá lạc quan của nước Mỹ, và dân chúng Mỹ sẽ thúc giục tổng thống của họ chấm dứt cuộc phiêu lưu không có triển vọng ở Việt Nam.
Người Mỹ đã không chuẩn bị trước cho một cuộc tập kích ở cường độ này. Tuy là hai tuần trước cơn bão đỏ, Tướng William (“Westy”) Westmoreland đã thông báo trước cho các viên chỉ huy của ông ấy một “cuộc tổng tấn công lớn của Việt Cộng và người Bắc Việt trước, trong hay ngay sau Tết”; tuy là người đứng đầu Công giáo Nam Việt Nam Nguyen Gian Hien đã giải thích sau này rằng: “Các tướng lĩnh của chúng tôi biết rằng Việt Cộng sẽ tấn công Sài Gòn, người dân trên đường phố biết điều đó, tôi biết điều đó” – nhưng khi Thiếu tướng Frederick C. Weyand, sếp của lực lượng Hoa Kỳ trong mười một tỉnh quanh thủ đô, tập hợp lực lượng của ông ấy lại sau cuộc tấn công đầu tiên của Việt Cộng, ông ấy chỉ có được gần 300 lính. Những người khác – cũng như phần lớn người miền Nam Việt Nam – đang nghỉ phép năm mới.
Trong lúc đó, tướng lĩnh Mỹ ở Việt Nam đang nhìn trừng trừng lên phương Bắc, nơi những người anh em đỏ của Việt Cộng đang chuẩn bị cho trận đánh lớn: 40.000 người lính Bắc Việt trong những bộ quân phục màu xanh ô liu đe dọa căn cứ Khe Sanh của Hoa Kỳ với xe tăng Xô viết, hỏa tiễn, đại bác 152 milimét và súng phóng hỏa. Ở đó, họ muốn chuẩn bị trận Điện Biên Phủ của họ cho người Mỹ.
Nhưng trận đánh lớn vào Khe Sanh còn chưa đến. Việt Cộng đến thay vào đó. Từ nhiều tuần nay họ đã lẻn vào thủ đô từng hai người một hay ba người một – tổng cộng là 5000 người –, từ nhiều tuần nay họ đã chuẩn bị ở khắp nước cho cuộc tấn công của họ.
Bây giờ, trong điệu vũ và sự náo động của đêm Giao Thừa, họ tấn công. Họ ẩn núp trong những đống đổ nát và những công trình xây dựng còn thô sơ, chiếm cả nhiều khu trong thành phố – như khu phố người Hoa Chợ Lớn trong Sài Gòn – biến công sở và chùa thành nơi bắn cho xạ thủ của họ.
Một người lính của QLVNCH đang nhắm bắn các vị trí của Việt Cộng ở Chợ Lớn trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân
Một người lính của QLVNCH đang nhắm bắn các vị trí của Việt Cộng ở Chợ Lớn trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Ảnh: The Vietnam Center and Archive
Ở Đà Lạt, họ tấn công một vị trí đóng quân của quân cảnh Mỹ và chiếm nội thành. Ở Pleiku họ còn tiếp nhận cả chính quyền tỉnh: trong khi viên tỉnh trưởng đang thị sát các công sự bảo vệ chống Việt Cộng thì đối thủ của ông ấy, tỉnh trưởng trong bóng tối của Việt Cộng, đã chiếm lấy tòa nhà của chính quyền.
Việt Cộng tiến quân ở khắp nơi trong nước – nhưng tướng Hoa Kỳ Westmoreland đánh giá trận tấn công của họ là “một thất bại đắt giá” và còn khăng khăng thêm một lần nữa, rằng bây giờ “cuối cùng Việt Cộng cũng đã hết hơi”.
Người lính cao cấp nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam dường như không thể tưởng tượng được rằng những chiến binh chân đất trong rừng rậm với súng ống cá nhân lại có thể làm tê liệt cỗ máy quân sự mà nước Mỹ đã thiết lập ở Việt Nam trong vòng hai năm rưỡi vừa qua.
“Quân địch sẽ luôn luôn thất bại”, Lyndon B. Johnson cam đoan với người dân của ông, “vì người Mỹ chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ.”
Và thật sự là quân địch đã mất hàng chục ngàn người trong những năm vừa qua, những nơi ẩn nấp của họ trong rừng rậm đã bị máy bay ném bom tám động cơ B-52 và máy bay tiêm kích Phantom nhanh gấp hai lần âm thanh tấn công không ngưng nghỉ, đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị cháy vì bom napalm. Người Mỹ đếm xác chết – thường hay đếm quá nhiều – và tin rằng cả đến một quân đội du kích cũng không thể nào chịu đựng được những tổn thất như vậy về lâu dài.
Nhưng tính cách Á châu và tinh thần cách mạng Cộng sản đã kết nối với nhau trong Việt Cộng trở thành một khối đồng nhất, không thể hiểu được đối với các quốc gia văn minh, và không thể làm cho suy yếu được đối với những đoàn máy bay ném bom.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bắc Việt, Tướng Giáp: “Mỗi phút có hàng trăm nghìn người chết ở khắp nơi trên thế giới. Sự sống hay cái chết của hàng trăm, hàng nghìn hay hàng chục nghìn người có ý nghĩa rất nhỏ bé trong thực tế – ngay cả khi đó là người dân của chúng tôi.”
Quân đội Đức đã phải tiến hành cuộc chiến tranh chống du kích của họ ở Nga với những thiếu thốn về quân lực, không có trực thăng và tàu đệm khí. Người Mỹ tin vào sức mạnh của vật chất. “Tính cơ động có nghĩa là gì?”, một cố vấn Hoa Kỳ hỏi năm 1963. “Tính cơ động có nghĩa là xe cộ và máy bay … Việt Cộng không có loại nào trong hai thứ đấy. Làm sao mà họ có thể cơ động được?”
Ngược lại, trong tuần trước nữa, một sĩ quan Hoa Kỳ đã thừa nhận ở Sài Gòn: “Tôi mong ước Charlie đứng về bên phía của chúng tôi.”
Charlie – người Mỹ gọi Việt Cộng như thế – không phải là những du kích quân bị cám dỗ bởi phiêu lưu mạo hiểm. Anh ta có kỷ luật, cuồng tín và quen chịu đựng; vì từ một thế hệ nay, anh ta sống với chiến tranh. Anh ta thuộc – ít nhất là trong nhiều đơn vị chiến đấu – vào trong số những người lính thiện chiến nhất thế giới.
(Còn tiếp)
Phan Ba dịch từ Der Spiegel: http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135625.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét