Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 41 - tiếp)


Lời Ai Điếu
Những người nông dân tiên tiến ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Cũng như quan hệ với các VIP Sáu Kiệt, Sáu Phan tôi cũng quan hệ thân thiết với nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu về vùng đất mà tôi yêu mến này. Do được thiên nhiên ưu đãi Đồng bằng Sông Cửu Long đã sản sinh ra một đội ngũ nông dân tuy không nhiều, nhưng các vùng quê khác của đất nước không dễ gì xuất hiện những gương mặt như thế. Họ là sản phẩm của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đã thành hình nhiều năm ở đồng bằng này. Ba mươi năm lăn lộn với ĐBSCL, tôi đã may mắn được gặp gỡ, làm quen và có người đã thành bạn tri kỷ. Tôi luôn giữa địa chỉ, số điện thoại của họ để thường xuyên liên lạc, hỏi han và nhờ họ chỉ bảo. Đó là những con người “cực kỳ bé nhỏ, nhỏ như một cái chấm, nhưng cực kỳ to lớn, tạo ra cả một miền trù phú của đất nước” (Băng Sơn). Đó là những nông dân Hai Chung làm lúa giống ở Chợ Gạo, Tiền Giang, là Ba Nở trồng bắp lai ở Tân Châu, An Giang, Tư Thành trồng sầu riêng hạt lép ở Cái Mơn, Bến Tre, Sáu Đức lập trang trại cả 100 hecta đất trồng lúa xuất khẩu cho Nhật Bản ở Tri Tôn; Lê Văn Lùng làm 20 mẫu lúa, nhưng để riêng 3 mẫu làm từ thiện, cùng bà con góp tiền mua xe cấp cứu 600 triệu tặng Hội Chữ Thập Đỏ xã, ở Tịnh Biên, An Giang.
Đặc điểm nổi bật của những nông dân này là họ cực kỳ năng động, nhạy bén, luôn tiếp thu nhanh cái mới và sáng tạo, táo bạo trong lao động.
Ngày mới hòa bình 1975, trong thiên tai lũ lụt khủng khiếp năm 1978, rồi nạn rầy nâu tàn phá đồng bằng, nông dân Hai Chung đã từ xã Lương Hòa lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang đã phóng xe Honda 67 xuống tận Cần Thơ để gặp giáo sư Võ Tòng Xuân học cách nhân giống mới năng suất cao hơn. Hơn 3 hecta ruộng lúa của ông đã trở thành ruộng nhân giống cho cả vùng.
Năm 1985, người nông dân này đã cùng đoàn các nhà khoa học Việt nam đi dự hội nghị khoa học tại Viện Lúa Quốc tế IRRI ở Philippin. Mỗi lần gặp lại Hai Chung tại trang trại theo mô hình R.V.A.C. (ruộng, vườn, ao, chăn nuôi) của ông tôi không thể không ôm chầm lấy bờ vai chắc nịch, ướt đẫm mồ hôi của ông. Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy xưa nay hiếm” nhưng Hai Chung từ sớm tinh mơ đến chiều tối lúc nào cũng tất bật đạp xe đạp đi kiểm tra đôn đốc nhân công của mình. Hết giờ chiều, Hai Chung lại đi nhặt nhạnh dụng cụ lao động, đem những dụng cụ mới đến từng vị trí để sáng hôm sau nhân công của ông đến làm việc có thể bắt tay ngay vào công việc ngay, không lãng phí thời gian đi tìm dụng cụ. Cách quản lý khoa học khiến trang trại của ông tồn tại gần 40 năm nay một cách bền vững, ngày càng phát triển đi lên. Nhưng không phải Hai Chung chỉ là ông chủ trang trại chỉ biết “đêm nằm nghĩ việc ra cho mà làm” (ca dao), mà còn là một nhà tâm lý học, một người nông dân có đạo lý của ông bà. Hãy nghe ông tâm sự: “Thuê nhân công bây giờ rất dễ vì quá dư thừa lao động, kiếm 10.000 đồng một ngày ở nông thôn bây giờ cũng khó, nhưng thuê người làm lâu dài với mình thì lại rất khó, vì phật ý là người ta có thể bỏ việc ngay lập tức. Vấn đề là phải gắn bó tình nghĩa với nhau. Nếu việc lớn trong đời người ta như cha mẹ qua đời, cưới hỏi cho con cái, giỗ tết mình cũng chia sẻ với người ta như có thể ứng trước tiền, trả lương trước v.v. và v.v. thì người ta gắn bó với trang trại của mình có khi cả đời. Lao động ở nông thôn là thế! Chú Hai còn giải thích cho tôi: – Nuôi con heo, con cá không như làm việc với cỗ máy, hết giờ là đóng máy lại. Con heo đâu có đẻ đúng giờ!
Về điểm này thì Hai Chung có tầm hiểu biết ngang tầm quốc tế. Vì có một thời gian trên thế giới. Ở các nền nông nghiệp tiên tiến như Pháp, Ý, Nhật, người ta đã cho rằng các xí nghiệp nông nghiệp có vốn lớn, trang bị hiện đại, thuê hàng trăm công nhân, sản xuất trên một diện tích lớn sẽ triệt tiêu các trang trại nhỏ (gia đình). Nhưng thực tế đã chứng minh nhiều năm qua, các trang trại gia đình nhỏ 5-7 hecta ở Pháp, Ý, Nhật vẫn tồn tại và ngày một phát triển. Vì đối tượng sản xuất của trang trại nông nghiệp là cây, con, chúng cần được chăm sóc như con người với chủ nhân luôn ở bên chúng. Trang trại gia đình, lấy người trong gia đình làm lao động chính với việc thuê mướn thêm một số lao động sẽ tồn tại lâu dài. Một trang trại nhỏ ở Pháp chỉ nuôi trồng một vài loại cây, con nhưng vẫn tồn tại từ đời ông đến đời cháu chắt vì nó được những siêu thị, khách sạn nổi tiếng ở thủ đô và các thành phố lớn ký hợp đồng dài hạn mua nông sản để giữ tiếng, giữ khách sành ăn, quen dùng những món ăn mà chỉ có ở nông trại đó mới có những thực phẩm mang hương vị riêng ấy.
Là người nông dân sản xuất hàng hóa, Hai Chung rất nhạy bén với thị trường. Có thời gian trang trại của ông trồng một vườn mận Ấn Độ (miền Bắc kêu là quả gioi), bán rất có giá. Bà con huyện Chợ Gạo thấy vậy đua nhau trồng mận Ấn Độ. Đến khi mận Ấn Độ ở Chợ Gạo ra trái, Hai Chung xách xe Honda chạy một vòng quanh huyện rồi về nhà ra lệnh cho nhân công của ông chặt hết vườn mận đang ra trái của mình. Thấy thế vợ ông kêu trời kêu đất. Ông chỉ cười rồi bắt đầu trồng thứ khác. Mùa mận năm đó dội chợ, mất giá thê thảm, tiền thuê hái mận còn hơn tiền bán mận. Mọi người đều phục Hai Chung là “nhìn xa trông rộng”!
Hai Chung cũng không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học. Năm 2009, 200 heo nái, 35 heo nọc, hơn 300 heo thịt của trang trại được làm một cuộc cách mạng về chuồng trại, hoàn toàn theo hướng hiện đại: nhập thiết bị nước ngoài, khi chăn nuôi được cách ly tuyệt đối với bên ngoài để đề phòng bệnh tật. Nể tôi lắm, Hai Chung mới cho tôi vào chuồng heo chụp hình, nhưng phải mặc blu trắng, đi ủng lội qua một bể nước sát trùng!
Nhưng cũng đừng tưởng Hai Chung chỉ biết làm mà còn biết chơi ra chơi. Đầu năm 2010, tôi về Mỹ Tho, gọi điện cho ông. Từ đầu dây đằng kia, tiếng ông sang sảng: – Ở đâu để tôi cho xe Jeep ra rước!
Thì ra Hai Chung mới tậu một cái xe Jeep còn “xịn”, giá một trăm triệu, có nguồn gốc từ chiến trường Irăc. Xe có đủ cả bộ vỏ (lốp) sơ-cua, can xăng mới, xẻng nhà binh cài cửa xe, chỉ còn “thiếu một khẩu trung liên đặt trước đầu xe” – như lời Hai Chung – là thành một quận trưởng! Hai Chung đón tôi bằng xe Jeep tại khách sạn. Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi một chiếc Jeep lùn nên thú vị vô cùng. Xe chạy như bay, gió lùa vào từ 4 phía, mát rượi. Hai Chung hào hứng nói: – Hồi còn chế độ cũ, tôi mê cái xe Jeep của tay quận trưởng lắm, chỉ mong được đi một lần trong đời. Bây giờ mình làm ăn khá giả, lại già rồi, phải mua xe Jeep đi cho đã. Xe tôi đi ăn cưới, chẳng xe đời mới nào dám đụng, đụng xe nhà binh thì chỉ có thiệt!
Khi tôi viết những dòng chữ này, không quên gọi điện cho Hai Chung hỏi thăm sức khỏe và tình hình sản xuất kinh doanh của ông trong lúc kinh tế đất nước đang rơi theo chiều thẳng đứng. Ông nói như reo trong máy, khoe: – Năm ngoái (2012-LPK), tôi được ra Hà Nội nhận danh hiệu “trang trại vàng” tại Nhà hát lớn! Nhưng nói về trang trại hiện nay, ông cho biết rất khó khăn, thức ăn cho đầu heo thì luôn tăng giá, giá heo xuất chuồng thì luôn giảm. Khi tôi hỏi thăm về sức khỏe, Hai Chung lại cười vang và nghiến răng ken két để tôi nghe thấy trong máy! Đó là cách quen thuộc của ông mổi khi có ai hỏi thăm sức khỏe! Ông nghiến hai hàm răng vào nhau cho phát ra tiếng kêu ken két đến rợn người, để “khoe” sức mạnh của mình. Kể cũng lạ, các cụ ta xưa có câu “đầu bạc răng long” để nói về tuổi già, sức yếu. Vậy mà ở tuổi 80, Hai Chung vẫn rắn chắc như một cây kơ-nia của núi rừng Tây Nguyên, thứ cây có thớ gỗ vặn thừng, không dao, rìu nào chặt nổi. Khi cười, hai hàm răng của Hai Chung vẫn sáng lóa!
Kể về những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL thì luôn luôn có những chuyện lý thú. Tôi có thể viết một cuốn sách vài trăm trang để nói về họ, những người mà tôi đã đến tận nhà, ăn ngủ qua đêm, cùng họ ra ruộng, rẫy để “ba cùng”. Những điều mắt thấy tai nghe ấy tôi mới chỉ viết được những bài báo ngắn về họ (báo lề phải), và ngòi bút của tôi còn “nợ” họ, “nợ” bạn đọc rất nhiều.
Tư Thành với cây sầu riêng hạt lép ở Chợ Lách, Bến Tre cũng là một ví dụ. Những ai quan tâm đến ĐBSCl đều hay rằng đồng bằng có đến 250.000 hecta vườn ăn trái, chiếm hai phần ba diện tích cây ăn trái của cả nước. Hàng năm ĐBSCL cung cấp khoảng 2 triệu tấn quả, đó là nguồn lợi thứ ba của đồng bằng sau cây lúa và tôm cá ở vùng trọng điểm nông nghiệp lớn nhất nước này. Nhưng hầu hết cây trái ở đây đang trồng giống cũ, cho năng suất thấp, sản phẩm trái không có độ đồng đều nên kém khả năng chế biến và cạnh tranh trên thị trường. Tính chất lạc hậu của đồng bằng này là chỉ độc canh cây lúa. Khi gạo đã đủ ăn, có dư xuất khẩu thì phải nghĩ đến đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, trước tiên phải nghĩ đến cây ăn trái. Nhưng khi trở tay thì mới thấy hụt hẫng. Tìm một kỹ sư trồng lúa thì dễ nhưng khi tìm một kỹ sư về cây ăn trái thì một tỉnh không kiếm nổi một người. Vì thế Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới phải mời một đoàn kỹ sư cây ăn trái có múi từ Cuba sang giúp ta. Sau đó ông cho lập “Trung tâm Cây ăn trái” ở xã Long Định tỉnh Tiền Giang. Nhưng Long Định chỉ đáp ứng được 15.000 cây giống mỗi năm. Nhu cầu cây giống, đặc biệt là giống mới, giống nhập ngoại là rất bức xúc. Những nông dân như Chín Hòa, Tư Thành ở Bến Tre là những con người đi tiên phong trong việc tìm kiếm giống mới từ bên ngoài cho các vườn cây ăn trái của ĐBSCL.
Năm 1998, tôi lần đến nhà Tư Thành (Nguyễn Công Thành) ở ấp Phụng Châu 2, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Từ bến đò đi lên, đi khá xa mới tới nhà anh. Vậy mà chưa kịp vô nhà, anh đã dẫn tôi ra vườn sầu riêng mẹ đang mang trái của anh. Ba năm về nước (1995), nghe được bên Thái Lan có giống sầu riêng Mon-thoong hạt lép, cơm vàng rất nổi tiếng. Tư Thành đã nhờ người con rể làm việc ở ngoài đảo xa thuộc tỉnnh Kiên Giang gửi các thủy thủ tàu Thái Lan hay qua lại, nhờ mua cho giống sầu riêng quí này. Phải 5 tháng sau, mới nhận được cây giống chở qua, với 4 cây vàng cho 250 cây mẹ. Tư Thành đã ra tận đảo để nhận giống cây về. Những cây sầu riêng hạt lép này cho lứa quả đầu tiên sau 3 năm, chỗ dầy cơm nhất của nó đến gần bốn phân (4cm), đường kính một múi tới bảy phân, hạt lép. Ban đầu Tư Thành chỉ định trồng lấy trái, sau thấy thị trường có nhu cầu nên chiết cây con bán giống. Các chuyên gia Thái Lan và cán bộ Trung tâm Long Định đã đến tận vườn của Tư Thành tham quan. Lúc ấy, Tư Thành đã định hái một trái để đãi khách, nhưng vị tiến sĩ người Thái đã ngăn lại: – Phải 5 ngày nữa mới chín. Đúng 5 ngày sau, Trung tâm Long Định đã cử người xuống chứng kiến Tư Thành khui trái sầu riêng đầu tiên đó và chụp hình. 100% là sầu riêng hạt lép giống Mon-thoong! Ngay vụ đầu đó, Tư Thành đã bán được 6.000 cây giống, với giá 15.000 – 20.000 đp62ng một cây (thời điểm 1998).
Sau chuyến đi đó, tôi đã viết một loạt tin bài cho Đài TNVN, cho báo chí của thành phố có kèm theo băng ghi âm tiếng nói của Tư Thành (cho đài), và hình ảnh vườn sầu riêng hạt lép đang mang trái của Tư Thành (cho báo).
Vài tháng sau, tôi tổ chức cho anh chị em phóng viên ở Chi hội nhà báo của Cơ quan Thường trú Đài TNVN, mà tôi là thư ký của Chi hội, về thăm vườn sầu riêng hạt lép của Tư Thành. Lúc đi đường tôi nói, con gái vùng này đẹp nhất ĐBSCL vì đây là vùng phù sa nước ngọt quanh năm, cây trái xum xuê, “con gái đỏ chót như mận trên cành”, như người ta đã ví. Lúc đến nơi, các bạn đồng nghiệp của tôi phải thừa nhận điều đó. Những phụ nữ bình thường bất chợt bắt gặp khi vô thăm một nhà vườn đều có vẻ đẹp bất ngờ. Không cần đến son, phấn, phụ nữ ở đây thắm đỏ phù sa sông mẹ. Sau này trong cuốn “Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu long”, xuất bản năm 2003 (NXB Thanh Niên), tôi còn công bố bức ảnh người đẹp Bến Tre Thân Thúy Hà với chú thích: Cô gái miệt vườn Bến Tre này đã vượt lên 600 người đẹp khác trong cả nước để dành vương miện Hoa khôi thời trang 1995 của Tạp chí thời trang tổ chức tại Hà Nội. Điều thú vị là, khi trả lời phỏng vấn báo chí, cô gái miệt vườn này đã hồn nhiên nói: – Khi biết tôi nhận được danh hiệu Hoa Khôi, cả nhà đều ngạc nhiên vì tôi là cô bé xấu xí nhất trong các chị em tôi!
Xứ miệt vườn của Tư Thành là như thế! Khác với sông Hậu được gọi là sông trẻ, chảy thẳng một mạch, sông Tiền được gọi là sông già, chảy quanh co. Chính sự quanh co già nua đó mà phù sa đã đọng lại nơi đây, làm nên những hòn cù lao lung  linh cây trái mà người ta gọi là vùng miệt vườn Chợ Lách, Bến Tre, Long Hồ – Vĩnh Long.
Vì có gọi điện báo trước nên hôm đó Tư Thành đón chúng tôi tại ngay bến đò. Khi về đến nhà vợ Tư Thành khoe ngay: – Nhờ có đăng báo mà nhiều công ty đã từ Sài Gòn đã xuống tận đây đặt mua cây giống của nhả em.
Thì ra đã có những công ty tư nhân ở Sài Gòn xem được bài tôi viết trên báo nên đã xuống đặt mua cây giống sầu riêng hạt lép của Tư Thành để mang lên Miền Đông đất đỏ bán. Thế là Tư Thành lại mở ra được một “xưởng” chuyên chiết cây giống, thu hút hàng chục chị em lao động để đáp ứng những hợp đồng lớn, hàng chục ngàn cây giống. Mỗi cây giống của Tư Thành, gốc đều có túi nilon bao bên ngoài, có in nhãn hiệu và địa chỉ nơi sản xuất, cả số điện thoại đặt hàng trông y như sản phẩm lấy ra từ tủ kính siêu thị!!!
Khi cuộc nhậu tưng bừng hôm đó đang diễn ra ở ngoài, Tư Thành kéo tôi vào nhà trong, đưa tôi một cái bao thư, anh nói: – Nhờ các bài viết của anh mà vợ chồng tôi có những khách hàng lớn từ Sài Gòn vợ chồng tôi chia sẻ với anh. Tôi không nhận bao thư, và nói với anh: – Bữa nhậu hôm nay là coi như đã trả công cho tôi rồi. Thay mặt anh chị em, tôi cám ơn anh, đặc biệt là chị đã vất vả.
Nếu Tư Thành phải ra tận đảo xa để đi tìm giống mới thì Ba Nở ở Tân Châu, An Giang lại nhờ nghe đài mà tìm được ra giống mới. Vụ Xuân-Hè 1992, Ba Nở trồng bắp giống mới DK999. Nhờ nghe đài Tiếng nói ND TP. HCM mà biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đem giống này từ Thái Lan về nước. Anh tìm mua bằng được và đến vụ Đông-Xuân 1994-1995, 3 hecta bắp lai giống mới của anh đã cho lời 30 triệu đồng. Sau cuộc họp báo “đầu bờ” năm ấy do Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam tổ chức tại Tân Châu, bên ruộng bắp của Ba Nở, khi mọi người lên xe về hết, tôi đã ở lại luôn ba ngày với Ba Nở. Ở nhà Ba Nở tôi thấy nhà anh chẳng thiếu gì: tivi, cát-xet, đầu máy vi-đi-ô, phim chưởng, nhưng tôi để ý, những thứ đó đối với anh là chỉ sắm cho có mà thôi. Tất cả tâm hồn anh để vào ruộng bắp ngoài kia, nơi cánh đồng mênh mông nắng trải. Chính anh nói với tôi: “không ra ruộng bắp nhớ lắm”! Thế là anh lại chở tôi bằng chiếc xe Dream mới cứng ra ruộng! Len lỏi trong ruộng bắp, nghe Ba Nở nói về cách chăm sóc cây bắp, từ lúc cao bằng đầu gối đến lúc ra bông tôi biết anh là con người của đất, của cây, của gió đồng nắng sớm. Cái thị trấn Tân Châu ồn ào suốt ngày kia, anh “không màng”!
Cũng như Ba Nở ở Tân Châu, Sáu Đức ở Tri Tôn, An Giang là ông chủ đang quản lý một cánh đồng lúa xuất khẩu trên 70 hecta đất. Anh đãi chúng tôi rượu Henessy nhưng đồ nhậu toàn là những thứ bắt được từ trên trời và dưới đất quê anh. Đó là thịt chuột đồng luộc và chim khúm núm nướng. Thịt chuột mềm và thơm, khi thái ra thớ thịt như ba chỉ, mở trắng phau, cho vào miệng mỡ như tan ra, không cần nhau. Thịt chuột đồng luộc và chim khúm núm nướng, thêm mấy trái đậu rồng mọc hoang bên bờ ruộng chấm muối ớt nhai cho đã rồi chiêu một ngụm nhỏ Henessy thì chao ôi, mọi bữa tiệc trong khách sạn 5 sao trên đời này coi như đồ bỏ! Chúng tôi đã lai rai với Sáu Đức như thế, trong trang trại của anh, nghe anh kể về câu chuyện tích tụ ruộng đất của mình và cung cách làm ăn với các nhà buôn Nhật Bản.
Còn bác Lê Hùng làm 20 hecta lúa, để riêng 3 hecta làm từ thiện, sắm xe cấp cứu tặng Hội Chữ Thập Đỏ xã (Tân Lập, huyện Tịnh Biên, An Giang) thì vui vẻ nói với tôi: – Từ ngày có xe cấp cứu, cứu sống kịp thời trong đêm tối nhiều “ca” ở cái xã vùng sâu vùng xa này,
Bác Lùng cười rung cả bộ râu để dài, đặc trưng của một tín đồ đạo Hòa Hảo, nói: – Xe này là xe cấp cứu cao cấp, Hàn Quốc sản xuất bán cho châu Âu, có thiết bị hiện đại, có bình ôxy, lên xe là được thở bình ôxy. Vậy muốn chết thì phải tới bệnh viện mới chết được!
Những người nông dân mà tôi kể trên, và còn nhiều nữa không thể kể hết trong giới hạn của một tập hồi ký là điều mà tôi thấy tự hào vì đã viết về họ trên báo chí “lề phải” suốt nhiều năm thường trú ở ĐBSCL. Nó làm vơi đi những hối hận của mình mỗi khi đọc lại những gì mình đã viết về cải tạo nông nghiệp, cổ vũ cho phong trào hợp tác hóa ở ĐBSCL của một thời mông muội đã qua do sự ngu ngơ của mình.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét