Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 44/1968 (28/10/1968)
Cùng với Tran Trong Hoc, người bạn thân của tôi, tôi đi dọc theo sông Sài Gòn. Tran, một nhân viên của sở cảnh sát tại Hà Nội khi còn dưới thời thống trị của Pháp, giống như một ông quan đã về hưu. Ông ấy lui về sống ẩn dật và quan sát tất cả, lắng nghe tin đồn và những mẩu chuyện mà người ta bàn tán, đọc báo và theo dõi cuộc tranh dành quyền lực có mặt ở khắp mọi nơi trong chính trị Việt Nam.
Con và cháu của ông ấy sống rải rác trên toàn Đông Nam Á. Một vài người làm việc cho chính phủ Nam Việt Nam, những người khác cho chính phủ Mỹ, lại những người khác nữa cho Mặt trận Giải phóng. Một vài người cũng hoạt động trong kinh tế.
Tran Trong Hoc là một Central Intelligence Agency nhỏ – đối với ông chỉ là một cách để giết thời gian, một thú vui tiêu khiển. Khi tôi lưu ý ông ấy đến những mối nguy hiểm của thú vui ông ấy, ông ấy chỉ mỉm cười và chậm rãi nói: “Một người đàn ông già còn làm gì khác được để giúp đất nước của mình chứ?”
Chúng tôi đi dạo về hướng Bắc. Nhiều tàu chở hàng Mỹ thả neo trên sông Sài Gòn, gần chúng tôi nhất là một chiếc tàu chở hàng lớn màu xám. Hàng của nó đang được chuyển sang sà lan chở hàng.
“Chúng mình hãy quan sát con tàu này”, Tran nói. “Nhưng để cho an toàn hơn thì chúng ta hãy làm điều đấy từ trong xe của tôi. Cuối cùng thì chúng ta đang do thám, điều tra lấy tin tức. Chúng ta là thám tử, chúng ta muốn nhìn xem ai bòn rút hàng hóa cung cấp cho quân đội Mỹ. Đứng lại ở đây trên đường phố với ống nhòm có nghĩa là thách thức số phận đấy.” Ông ấy kéo ngón trỏ đi ngang qua cổ của ông ấy, hết sức có ý nghĩa.
Chúng tôi quay lại và đi trở về đến chiếc Citroen lạch cạch cũ kỹ của Tran. Chỉ trong vòng vài phút, chúng tôi lại ở cạnh dòng sông và ngừng lại ở cách bến tàu vào khoảng 150 mét, bến tàu mà những chiếc sà lan hướng đến từ chiếc tàu chở hàng của Mỹ.
“Các xà lan chở hàng này”, Tran giải thích, “thuộc một công ty Việt Nam của một vài tướng lĩnh người Việt. Người Mỹ của họ trả tiền cho việc sử dụng các sà lan này. Người Mỹ của họ trả tiền cho đặc quyền, được gửi đạn dược, thực phẩm và vật liệu chiến tranh vào trong đất nước này.”
Đỗ ở bến tàu là tám chiếc xe tải năm tấn, trước kia đã từng là xe của quân đội Mỹ. Mấy chiếc sà lan neo lại ở bến tàu, công nhân cảng người Việt dỡ hàng xuống – và dỡ trực tiếp sang các chiếc xe tải màu nâu.
“Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ trả tiền lương cho các công nhân cảng người Việt Này”, Tran nói.
Không thấy lính Mỹ hay nhân viên dân sự giám sát và kiểm tra ở đâu cả. Lời giải thích của Tran: “Chính phủ Nam Việt Nam đã có ý nói với chính phủ Mỹ, rằng họ không nên can thiệp vào công việc nội bộ.”
Tôi bực mình trả lời: “Nhưng hàng hóa này là vật liệu chiến tranh Mỹ. Mấy cái thùng gỗ mang dòng chữ BỘ QUỐC PHÒNG, THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ, XIN ĐỪNG ĐÁNH RƠI. Chúng đến từ Hoa Kỳ và do công dân Mỹ trả tiền.”
“Bill”, Tran nói, “Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không có quyền thuế quan ở Việt Nam. Họ phải hiểu rằng người Mỹ chỉ là khách ở đây mà thôi. Đó là tư thế công khai của đất nước bạn. Có lẽ vì thế mà không có ai ở đây để giám sát hàng chiến tranh cả. Người khách thường không kiểm soát sự không chân thật của người chủ nhà họ.”
“Nhưng đây là hàng Mỹ cho quân đội Mỹ.” – “Vâng.”
Chúng tôi tiếp tục quan sát sự việc. Sau khoảng một giờ đồng hồ, tám chiếc xe tải đã chất đầy 40 tấn hàng Mỹ. Các tài xế hồi hộp thấy rõ. Họ nhìn đồng hồ liên tục và bồn chồn nói chuyện với nhau.
“Bình thường”, Tran nhận định, “thì thời gian ít quan trọng đối với chúng tôi. Khi tài xế người Việt bắt đầu bồn chồn thì điều đấy chỉ có nghĩa là: họ phải chạy qua vùng do Việt Cộng kiểm soát. Việt Cộng được trả tiền để cho một đoàn xe tải đi qua vào một giờ nhất định. Nếu đoàn xe này đến sớm quá hay muộn quá thì có thể là những chiếc xe tải sẽ bị cho nổ tung.”
Một chiếc xe Jeep quân đội Việt Nam với một lá cờ Việt Nam nhỏ ở trên cái chắn bùn phía trước bên trái chạy đến bến tàu. Một người Việt to béo, khoảng 35 tuổi, trong quân phục ka ki (nhưng không có quân hàm), bước xuống.
Mấy người tài xế quay quanh ông ấy. Người đàn ông to béo đấy đưa cho mỗi người một tờ giấy. Ông ấy nói đi nói lại với những người tài xế, gần giống như một huấn luyện viên bóng đá đang ra chỉ thị cho đội bóng. Cuối cùng, ông ấy gật đầu: các tài xế nhanh chóng bước lên những chiếc xe to của họ và nổ máy. Tất cả các tài xế đều nhét giấy tờ của mình vào trong một cái bọc nhựa và gắn nó vào cái chống nắng trên xe tải của mình.
Người Việt to béo trong quân phục ka ki đấy lại gật đầu; chiếc xe tải đầu tiên chạy, những chiếc khác theo sau nó. Đoàn xe rời vùng sông và chạy chậm chậm qua thành phố hướng về vào nội địa. Rồi chúng tôi không nhìn thấy chúng nữa, nhưng Tran biết tuyến đường của đoàn xe cũng như nơi chúng đến. Trong số hàng trăm bạn bè và người cung cấp thông tin cho ông ấy có một người luôn đi trên tuyến đường này.
Khi tám chiếc xe tải với 40 tấn thiết bị điện tử Mỹ đến con đường từ Sài Gòn đi Biên Hòa, họ bị một trạm lính gác Việt Nam có một người lính Mỹ đi cùng chận lại. Các tài xế trình giấy tờ của họ. Người lính gác Việt đi từ xe này sang xe khác, kiểm tra nhanh chóng từng tờ giấy và nói với người Mỹ, người không biết đọc và không biết nói tiếng Việt và phải dựa vào đối tác người Việt của mình. Người Mỹ đưa ra lời “O.K.” của ông ấy và lui về ven đường. Lính gác người Việt cho đoàn xe tiếp tục đi.
Mấy chiếc xe tải tiếp tục lăn bánh trên con đường số 1 cũ; nó dẫn đến Pnom Penh, thủ đô của Campuchia. Biên giới chỉ cách khoảng 80 kilômét. Lính gác cầm súng chận những chiếc tải lại bốn lần, giấy tờ được kiểm soát bốn lần. Hai lần lính gác mặc quân phục Lục quân Nam Việt Nam, hai lần họ mặc pyjama màu đen của nông dân.
Cuối cùng, các chiếc xe tải đến được mục đích của chúng: Gò Dầu Hạ, một ngôi làng ở ngay gần biên giới Campuchia-Việt Nam, cách thủ đô Sài Gòn 80 kilômét hay khoảng hai giờ và hai mươi phút.
Họ ngừng lại cạnh một con đường không được trải nhựa, có tên là Tú Xương. Ở ngã tư của con đường đó với con đường Văn Lang còn nhỏ hơn có một ngôi nhà bằng gỗ với mái rơm, tương đối lớn. Lính canh có súng của Nam Việt Nam bước ra, một người trong số họ ký nhận và thu giấy của những người tài xế. Một người lính hô to điều gì đấy. Các tài xế bước xuống, bước lại cạnh một cái bàn bên cạnh ngôi nhà mái rơm. Hai người đàn bà trong pyjama màu đen mang thức ăn đến. Có mùi cá và tỏi.
Trong khi những người tài xế còn đang ăn, có một đoàn xe tải sơn đen đến từ hướng kia, từ Campuchia. Một nhóm công nhân hoạt động ngay lập tức: hàng của hai đoàn xe được chuyển qua cho nhau. Thiết bị điện tử Hoa Kỳ đi sang Campuchia, thùng các tông từ Campuchia sang các xe tải Việt Nam.
Sau nửa giờ, đoàn xe Việt Nam, chở hàng tấn hàng hóa của Trung Quốc đỏ, bắt đầu chuyến trở về Sài Gòn. Người ta còn chẳng buồn che dấu điều gì hết, đến cả đều được ghi rõ trên những thùng các tông lớn: bàn chải đánh răng, kem đánh răng, vitamin, bút Parker giả và bình thủy.
Ba giờ trôi qua. Những chiếc xe tải đã về đến Chợ Lớn ở rìa của Sài Gòn. Họ đỗ trước những căn nhà kho bằng gỗ, hàng hóa từ nước Trung Quốc Cộng sản được mang vào. Nhiều cảnh sát Nam Việt Nam đứng nhìn ở đó.
Trong ngôi nhà kho có nhiều đống lớn lốp xe cho xe Jeep và xe quân đội Mỹ khác. Ở phía sau là hàng trăm bao tải xi măng Mỹ được chất chồng lên với nhau (với nhãn hiệu USAID) và hàng trăm bao gạo Mỹ. Ngôi nhà kho là của Hop Tan, một người Hoa.
Đã xảy ra như thế đấy với xe tải chở 40 tấn hàng chiến tranh Mỹ. Người to béo, mặc đồ ka ki, người nhận chúng ở cảng Sài Gòn, thuộc sở cảnh sát tỉnh Tây Ninh ở cạnh biên giới Campuchia. Ông ấy đến cảng mỗi ngày ít nhất một lần và trao giấy tờ cho tài xế xe tải.
Đó là giấy tờ chính thức, chứng nhận rằng hàng trên xe tải được cung cấp cho lực lượng thông tin Nam Việt Nam.
Tất nhiên là các lực lượng thông tin không bao giờ nhìn cái gì trong số những vật đó. Chúng được gửi trên con đường số 1 cũ đến Gò Dầu Hạ, Ta Loc hay Nan Pi, tất cả đều là trạm trung chuyển sang Campuchia. Ngay khi chúng đến đấy, hàng trên xe tải được giao cho một người Hoa quốc gia từ Đài Bắc; ông ấy đại diện cho một nhóm [kartell] chợ đen quốc tế.
Hưởng những món tiền tạo khả năng cho tất cả những việc đấy là các sĩ quan cao cấp của lực lượng thông tin Nam Việt Nam, của cảnh sát tỉnh Tây Ninh, đại diện của Bộ Ngoại giao và chính phủ trong Sài Gòn.
Tất cả đều được kết hợp với nhau một cách tuyệt vời; nhân viên nào đó ở Cảng Sài Gòn biết tàu Mỹ nào và hàng nào sẽ đến Sài Gòn. Khoảng hai tuần trước khi một chiếc tàu chở hàng Mỹ đến Sài Gòn, những người có thể là khách hàng được thông báo trước về hàng hóa của chiếc tàu Mỹ: Việt Cộng, người Bắc Việt, thỉnh thoảng là Trung Quốc đỏ, có lẽ là một người trung gian ở Hongkong – hay ở một quốc gia nào đó trên thế giới, những người cần món hàng đấy và sẵn sàng trả một giá cao tương ứng.
Theo một nguồn từ Phi Luật Tân, Israel trong mùa Hè 1967 là một trong số các khách hàng chợ đen. Israel rất cần đạn đại bác 175 milimét; chỉ Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ là sản xuất chúng với lượng lớn. Chúng có giá 400 dollar cho mỗi một viên. Đạn đại bác, thật ra là dành cho quân đội Hoa kỳ ở Việt Nam, được chuyển qua Manila. Ở đấy, một chiếc tàu khác nhận những viên đạn đấy – và mang chúng sang Israel.
Có nhiều người tham gia vào trong vụ mua bán này. Vì đấy ít nhất cũng là nhiều tỉ dollar.
Các đối tác sau đây thuộc trong số đó:
- Tướng lĩnh và nhân viên Nam Việt Nam, thương gia Nam Việt Nam, những người có quan hệ thân mật với người Việt có chức vụ trong chính phủ;
- Mặt trận Dân tộc Giải phóng (Việt Cộng)
- Người Mỹ mua bán hàng chợ đen
- Điệp viên Bắc Việt Nam
- Thương gia Trung Hoa Quốc gia, cả ở Việt Nam lẫn trên Formosa.
- Lính, thương gia và nhân viên Hàn Quốc
- Lính, thương gia và nhân viên Phi Luật Tân.
Nói cách khác: hầu như ai cũng làm tiêu hao các cố gắng chiến đấu của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
(Còn tiếp)
Lederer, William J.
Phan Ba dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét